“Một niềm hy vọng” cho bản thân, gia đình và quê hương

Bùi Văn Phú

Đã 24 lần từ khi Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Berkeley được thành lập, mỗi khi tiết trời vào xuân thì cũng là lúc sinh viên lại cùng nhau chung sức làm văn nghệ.

Năm nay chương trình văn nghệ đã diễn ra vào chiều Chủ nhật 13.04 tại thính đường Zellerbach.

Trong phút khai mạc, sinh viên Bách Hà, chủ tịch hội đã có đôi lời ngỏ cùng khán giả. Bách nói khi nhìn thấy những cây đào, cây mận, cây apricot trong sân trường trổ hoa, đó là báo hiệu một mùa xuân đang về mang lại biết bao hy vọng cho tương lai tuổi trẻ. Trong niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp, Bách bộc lộ chân tình của mình – thay cho các bạn – lời cám ơn bậc sinh thành đã đem các em đến đất tự do và đã nuôi nấng, dạy dỗ các em, cho các em có cơ hội được vào học một trường đại học danh tiếng, nơi mà mai đây các em sẽ tốt nghiệp.

Đó không chỉ là ước mơ, hy vọng của các em mà còn của bậc cha mẹ người Việt.

Theo lời Bách, sinh viên Berkeley không chỉ có những hy vọng riêng mà còn muốn chuyên chở niềm hy vọng đó đến cho những trẻ em mồ côi đang sống thiếu thốn nơi quê hương Việt Nam bên kia đại duơng, ở đó các em cần sự săn sóc, mong được cơ hội đến trường. Vì thế một phần tiền quyên góp được trong buổi văn nghệ tối nay sẽ được gửi đến hội Aid to Children Without Parents (ACWP) có trụ sở ở San Jose, California để gửi về quê nhà.

Lời cuối, Bách nói việc tìm hiểu và gìn giữ văn hoá nước nhà là một trách nhiệm của thế hệ trẻ tại hải ngoại và những bạn trẻ Việt Nam cũng luôn luôn hy vọng vào một ngày quê hương sẽ có tự do, dân chủ để họ có thể góp phần vào việc xây dựng đất nước. Trong những suy nghĩ đó, đêm văn nghệ chủ đề “Một niềm hy vọng” đã được các bạn sinh viên chung sức thực hiện.

Chương trình là một giao lưu giữa hai nền văn hoá Việt và Mỹ, từ hình thức đến nội dung. Văn hoá Việt Nam thể hiện qua kịch “Ngưu lang chức nữ” với những lời ca trữ tình, xen giữa các điệu vũ dân tộc, và nét đẹp lộng lẫy của các nữ sinh viên trong phần trình diễn thời trang áo dài. Văn hoá Mỹ được thể hiện qua những bài ca, những màn múa hip-hop sôi động, quay cuồng và táo bạo.

Phần chính của chương trình là vở kịch “Chiếc nhẫn lãng quên” được thể hiện bằng song ngữ. Đây là những băn khoăn, khắc khoải, những va chạm giữa hai nền văn hoá mà người Việt gặp phải trong cuộc sống mới và cũng là một nhắc nhở về cội nguồn cho thế hệ mai sau.

Như trang sử của người Việt tại Mỹ, câu chuyện mở đầu là tình cảnh của một gia đình có bố đi học tập cải tạo và con cái vượt biên tìm tự do, hạnh phúc.

Thế hệ người Việt thứ nhất đến được Mỹ, cha mẹ lo làm việc quần quật để gia đình có cuộc sống ổn định, cùng lúc cố gắng nuôi nấng dạy dỗ các con, mong con cái thành những kỹ sư, bác sĩ tương lai. Tâm hồn người Việt của thế hệ đầu tiên còn vương vấn nhiều với quê hương, với quá khứ; còn mang nhiều nét sinh hoạt Việt Nam, từ ăn uống cho đến vui chơi giải trí. Trong khi thế hệ thứ hai sinh ra hoặc lớn lên ở Mỹ, tiếng mẹ đẻ không biết, quá khứ gia đình xa xôi mờ mịt, không hoà nhịp với những suy nghĩ, sinh hoạt của cha mẹ. Những va chạm đó đã được sinh viên thể hiện linh động qua các vai trong vở kịch, khi bằng Anh ngữ, khi bằng Việt ngữ.

David là một nam sinh viên gốc Việt, ở nhà không có những cơ hội tâm sự cùng cha mẹ vì phong tục Việt Nam không cho phép và cũng vì ngôn ngữ bất đồng. Ngoài đời, David lại có thể bày tỏ tình cảm một cách hết sức tự nhiên với những bạn gái như Hồng, Tina, Brenda tuy cũng là gốc Việt nhưng đã hoàn toàn Mỹ hoá.

Tina sinh ra ở Mỹ, được bố mẹ đặt tên là Thanh Nhàn với mơ ước con mình sẽ có cuộc sống thanh bình, an nhàn. Cô nữ sinh không thích học làm bác sĩ như mong ước của mẹ, nhưng phải tốn nhiều thời gian và khó khăn lắm mới có thể bày tỏ cảm nghĩ riêng với bố mẹ rằng cô chỉ thích viết văn. Khi Tina bày tỏ chọn lựa đó với mẹ, điều này đã như một tiếng sét đánh ngang tai bà mẹ.

Phong là một sinh viên vừa đến Mỹ được hai năm, lúc đầu có khó khăn trong ngôn ngữ, trong việc hoà nhập với sinh hoạt cùng các bạn trong hội sinh viên Việt Nam. Phong gặp David và hai người trở nên bạn thân, giúp đỡ nhau học hỏi thêm về văn hoá Mỹ (cho Phong) và văn hoá Việt Nam (cho David). Qua những chia xẻ trong tình bạn, Phong hiểu được nhiều hơn về đời sống Mỹ còn David học được tiếng Việt qua những tập phim bộ do Phong giới thiệu. Cả hai làm việc chung với nhau trong lớp ngôn ngữ văn hoá Việt tại trường để sản xuất ra một băng hình tựa đề “Vietnamese-American Idol” mang nhiều tính hài dí dỏm.

Còn mẹ Tina sau một thời gian bức xức, lo lắng bà cũng hiểu được là muốn con hạnh phúc thì phải để cho con mình tự chọn ngành học và việc làm. Như để chấp nhận ý nguyện của con, mẹ Tina đã trao lại cho nàng chiếc nhẫn cưới mà bà ngoại đã đưa cho mẹ trước lúc vượt biên như là một kỉ vật, với hy vọng sẽ đem lại hạnh phúc cho con cháu sau này.

Vở kịch kết thúc với liên hoan mừng Tina tốt nghiệp đại học ban văn chương với sự có mặt của đông đủ bạn bè, trong đó có David, có Phong.

Nội dung vở kịch đã chuyên chở nhiều suy tư đến cho hơn 1500 khán giả gồm nhiều lứa tuổi và thuộc mọi thành phần người Việt đến định cư ở Hoa Kỳ trong gần ba thập niên vừa qua.

Khi hơn 50 sinh viên ra chào tạm biệt khán giả, nhìn lên sân khấu thấy trên nét mặt nhiều bạn trẻ tuy mang vẻ mệt mỏi nhưng môi rạng rỡ những nụ cười vì biết rằng sau bao nhiêu ngày tập dượt, chương trình văn nghệ đã góp phần vào việc duy trì, phát huy văn hoá nước nhà và đã được thật đông khán giả hưởng ứng và ủng hộ.

Chương trình văn nghệ kết thúc với lời cám ơn của sinh viên Trâm Nguyễn, trưởng khối văn nghệ, và phần tặng hoa cho các bạn sinh viên đã góp sức thực hiện chương trình.

Năm nay chương trình đã được sự bảo trợ của nhiều cơ sở thương mại trong vùng Vịnh San Francisco nên hầu hết khán giả đã nhận được vé mời tham dự. Cuối chương trình các bạn sinh viên mời gọi khán giả ủng hộ tài chánh và số tiền quyên được sẽ gửi đến hội ACWP để giúp trẻ em mồ côi nơi quê nhà.

© 2003 Buivanphu

About Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú is a community college instructor and a freelance writer from San Francisco Bay Area. He worked with Peace Corps as a volunteer high school teacher in Togo, Africa and an educational consultant for United Nations High Commissioner for Refugees in Southeast Asia. Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps dạy trung học ở Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á.
This entry was posted in cộng đồng, văn học nghệ thuật and tagged , , . Bookmark the permalink.

Leave a comment