Phim tài liệu “Saigon, USA”: những lý do người Việt chống cộng sản

Bùi Văn Phú

Saigon, USA dài gần một giờ đồng hồ do Lindsey Jang và Robert C. Winn thực hiện dựa vào một biến cố xảy ra hồi đầu năm 1999, khi Trần Văn Trường, một thương nhân người Mỹ gốc Việt đem hình Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng treo trong tiệm của ông ở thành phố Westminster, miền nam California, nơi được coi là thủ đô của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ.

Sự việc này đã khiến người Việt trong vùng tổ chức biểu tình trong 53 ngày đêm trước cửa tiệm để phản đối. Những cuộc biểu tình được truyền thông Hoa Kỳ chú ý vì có ngày hàng chục ngàn người đã tham dự trong không khí tương đối ôn hòa, trừ đôi lúc sự xuất hiện của chủ nhân đã tạo ra những sự cố khiến cảnh sát phải can thiệp.

Tối thứ Sáu ngày 9.5.2003 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Đông nam châu Á của Đại học U.C. Berkeley có tổ chức một buổi chiếu phim và thảo luận dành cho sinh viên, công chúng. Chừng một trăm người đã tham dự.

Mở đầu, giáo sư sắc tộc học Kiều Linh Caroline Valverde chuyên nghiên cứu về Việt kiều, hiện giảng dạy tại Đại học U.C. Davis, có đôi lời giới thiệu phim Saigon, USA và đạo diễn Lindsey Jang. Giáo sư Kiều Linh nói rằng nghiên cứu về từng làn sóng người Việt đến Mỹ định cư, từ những người ra đi khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975, đến người vượt biển, con lai, HO hay đoàn tụ gia đình thì họ có một mẫu số chung là “chống cộng” và tinh thần ấy đang giảm đi trước những thay đổi và cởi mở đang được thực hiện trong nước Việt Nam. Giáo sư Kiều Linh nhận xét phim này phản ánh trung thực về cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ.

Nói vắn tắt về tác phẩm của mình, đạo diễn Jang cho biết sự việc có hàng chục ngàn người Việt tập họp biểu tình là một điều lạ vì ông ít thấy điều này xảy ra trong cộng đồng người châu Á ở Mỹ. Jang và Winn làm phim Saigon, USA vì muốn tìm hiểu nguyên do tại sao người Việt lại có những phản ứng mạnh mẽ và quyết liệt trước sự xuất hiện của những biểu tượng cộng sản tại tụ điểm của họ.

Saigon, USA đã được chiếu trên hệ thống truyền hình PBS, Hoa Kỳ (ảnh KOCE)

Saigon, USA đã được chiếu trên hệ thống truyền hình PBS, Hoa Kỳ (ảnh KOCE)

Phim nói lên lịch sử thành hình của Little Saigon ở nam California, khởi đi bằng cuộc di tản vào tháng 4.1975, rồi đến những làn sóng vượt biển đưa đến việc hàng chục ngàn người Việt đã chọn thành phố Westminster để định cư, nơi mà trước năm 75 còn hoang sơ, còn những con bò chạy trên đường phố. Người Việt đổ về đây, sau mười năm đã biến Westminster thành một thị xã trù phú với những trung tâm thương mại sầm uất.

Nhiều người Việt xuất hiện trong phim để nói về lý do tại sao họ đã hoặc không tham gia biểu tình. Tham gia biểu tình có cựu Đại tá Lê Khắc Lý, sĩ quan không quân Chuyên Nguyễn, nhân viên xã hội Xuyến Đồng-Matsuda. Không tham gia có họa sĩ Vi Lý; Vũ Nguyễn, 24 tuổi, con trai của ông Chuyên; Bảo Nguyễn, sinh viên Đại học U.C. Irvine. Nhiều người khác nữa cũng đã nói lên quan điểm về lý do tại sao họ chống cộng sản và bày tỏ phản ứng về vụ treo cờ đỏ sao vàng và hình Hồ Chí Minh.

Người lớn tuổi kể lại những mất mát khi Sài Gòn rơi vào tay cộng sản. Đại Tá Lý mất hết quyền bính, mất cả quê hương. Qua Mỹ, dù ông biết tiếng Anh và đã chuẩn bị tinh thần để chấp nhận một cuộc sống mới, nhưng khi phải đi lau chùi nhà vệ sinh thì tự nhiên nước mắt ông cứ tuôn trào vì cảm thấy như đang từ đỉnh cao bị rớt xuống hố sâu. Ông vẫn mơ có một ngày lấy lại quê hương. Gia đình của họa sĩ Vi Lý, người Việt gốc Hoa, phải ra đi khi Hà Nội áp dụng chính sách đánh tư sản mại bản. Lúc đầu Vi cảm thấy xấu hổ, cô không hiểu tại sao chỉ vì một lá cờ, một tấm hình mà người Việt lại xôn xao biểu tình như thế. Cuối phim, Vi nói sau khi nghe được những câu chuyện của người tị nạn cô lại nghĩ khác đi về những cuộc biểu tình đó.

Bảo Nguyễn thì bênh vực cho người chủ cơ sở thương mại có quyền treo cờ và hình cộng sản. Thấy hành động này bị phản đối quá thì Bảo nói ở Mỹ không có tự do. Trong một lần khác, khi đông đảo người Việt tổ chức vận động bầu cử ủng hộ Thượng nghị sĩ John McCain, Bảo và các bạn có mặt để phản đối việc ông dùng một từ mang tính miệt thị: “gook” để gọi cai tù Việt Cộng, nhưng Bảo cho rằng danh từ đó ám chỉ chung các sắc dân châu Á. Hôm đó Bảo và các bạn bị những người Việt khác đuổi khỏi nơi Thượng nghị sĩ McCain đang vận động tranh cử.

Vũ Nguyễn lúc đầu cũng có suy nghĩ như Vi Lý về các cuộc biểu tình, như Bảo về Thượng nghị sĩ McCain, sau hiểu được thì cùng bố, nhà hoạt động cộng đồng Chuyên Nguyễn, tham gia sinh hoạt cộng đồng vì anh tin mọi sinh hoạt là một phần của cộng đồng nơi anh sinh sống, dù chấp nhận nó hay không. Vũ nói một câu hết sức có lý: “Nước Việt Nam Cộng hoà với lá cờ vang ba sọc đỏ bên kia đại dương thì không còn nữa, nhưng nó đã được chuyển qua đây”. Phần Bảo, sinh ra trong trại tỵ nạn ở Thái Lan, thì muốn được cùng theo mẹ về Việt Nam để tìm hiểu về nguồn cội của mình. Còn Xuyến Đồng-Matsuda muốn làm một gạch nối giữa hai thế hệ người Việt.

Sau khi chiếu phim là phần đặt câu hỏi và thảo luận với đạo diễn Jang và giáo sư Kiều Linh.

Một sinh viên Việt nói trong gia đình không có những chia sẻ giữa cha mẹ và con cái nên những câu chuyện của người lớn không được kể lại cho con cháu.

Một câu hỏi khác về quan hệ trong gia đình người Việt có gì khác biệt so sánh với những sắc dân khác như Trung Hoa, Nhật, hay Hàn Quốc là những cộng đồng có chung nguồn gốc văn hóa Khổng Mạnh, với đẳng cấp trong gia đình mà người cha là trên hết. Còn so sánh với những gia đình gốc da trắng như Ba Lan, Đức thì giữa cha mẹ và con cái có những sự thảo luận trong môi trường cởi mở hơn không? Giáo sư Kiều Linh nhận định rằng trong gia đình Việt Nam vì có nhiều vấn đề như ngôn ngữ, hội nhập, quá khứ bị mất hết cả vì cộng sản, khi nói đến những điều này chỉ làm cha mẹ thêm uất ức. Giáo sư không có câu trả lời về những so sánh với những sắc dân khác.

Đạo diễn Jang khi làm phim này cũng đã nghĩ đến việc so sánh quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình Việt với những sắc dân châu Á khác, nhưng không thực hiện được vì thế cũng không có câu trả lời.

Một người da đen chỉ trích những sự nghịch lý trong xã hội Mỹ khi mà người châu Á có thể biểu tình phản đối, còn người da đen thì lại không làm được như thế.

Một người da trắng nhận xét rằng không biết sinh viên Bảo Nguyễn muốn nói gì trong phim, vì lúc thì anh coi mình là người Mỹ, nhận đây là đất nước của anh, lúc thì anh lại coi như không phải người Mỹ vì nơi đây không có tự do.

Một người Việt, 47 tuổi có 6 năm sống với cộng sản, kể rằng gia đình ông sống ở vùng đồng bằng Cửu Long, cộng sản vào lấy ruộng, tịch thu nhà cửa của bố mẹ ông. Ông cám ơn đạo diễn Jang đã làm phim này để nói lên sự thực về nguyên do người Việt bỏ nước ra đi. Theo ông, nhiều Việt ủng hộ Thượng nghị sĩ McCain vì ông cũng đã từng bị cộng sản giam tù. Ông cũng thông cảm với giới trẻ như sinh viên Bảo lớn lên ở Mỹ, chống Thượng nghị sĩ McCain vì cảm thấy bị kỳ thị.

Vụ treo hình Hồ Chí Minh và cờ cộng sản Việt Nam ở Westminster là một biến cố đã khơi dậy những đau thương và tinh thần chống cộng của người Việt. Trong phim, nhà báo Andrew Lâm đã so sánh việc phô trương những biểu tượng cộng sản giữa Little Saigon chẳng khác nào đem hình Adolf Hitler treo giữa nơi có đông người Do Thái, hay đem hình Fidel Castro mà trưng giữa Little Havana.

Biến cố này không phải là đã không được dự báo trước. Sách hướng dẫn du lịch Việt Nam do nhà xuất bản Lonely Planet, ấn bản 1993-94, trong phần viết về những món quà kỉ niệm khách du lịch có thể mua ở Việt Nam, trong đó có áo thun in hình Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh T-shirt). Tuy nhiên tác giả cũng không quên cảnh cáo rằng: “Nếu không muốn phải tốn nhiều tiền đi nha sĩ làm răng thì đừng mặc áo thun này đi nghênh ngang giữa Little Saigon”.

© 2003 Buivanphu

___

[Bài đã đăng trên Việt Báo 17.05.2003]

About Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú is a community college instructor and a freelance writer from San Francisco Bay Area. He worked with Peace Corps as a volunteer high school teacher in Togo, Africa and an educational consultant for United Nations High Commissioner for Refugees in Southeast Asia. Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps dạy trung học ở Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á.
This entry was posted in cộng đồng, chính trị Việt and tagged , , , , , , , , . Bookmark the permalink.

3 Responses to Phim tài liệu “Saigon, USA”: những lý do người Việt chống cộng sản

  1. yêu nước Việt says:

    Tác giả đã viết sai tiếng Việt: nghênH ngang. Không phải nghênG ngang (câu cuối bài).

  2. Thạch Sanh says:

    Cầm đầu Đảng Quốc xã Đức đến năm 1945 là Adolf Hitler. Vào thời đó ông ta muốn và đang diệt chủng người Do Thái. Còn vì sao ông ta muốn giết hết người Do Thái thì tôi cũng chưa thấy sách báo nào nói đến.

    Nội chiến ở Việt Nam là do bọn thực dân đế quốc Pháp-Mỹ-Anh gây ra vào thời đó trên khắp thế giới. Cộng Sản VN đã tập trung những kẻ theo thực dân đã gây ra chiến tranh ở VN lại quản lý, rồi cho họ lên máy bay theo chủ mình để sống cho đến hôm nay.

    Vậy mà kẻ mất quyền, mất gốc lại đem so sánh với chế độ quốc xã Đức của Adolf Hitler hồi năm 45.

Leave a reply to Thạch Sanh Cancel reply