Bi kịch hoà bình Việt Nam: Tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Bùi Văn Phú

Trong số những người Việt được thế giới biết đến nhiều nhất, sau ông Hồ Chí Minh có lẽ là Tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Mỗi người một nhân cách, có một chỗ đứng riêng trong lịch sử Việt Nam và thế giới.

Cuộc đời của ông Hồ còn nhiều bí mật, nhưng ông đã mất vào lúc chiến tranh tại Việt Nam đang ở cao điểm nên lịch sử sẽ còn rất nhiều tranh cãi về ông. Còn Tướng Giáp và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sau khi đất nước hoà bình thống nhất mà cuộc đời của hai người Việt Nam vẫn có nhiều phê bình, đánh giá khác nhau và cũng là điều làm tôi suy nghĩ.

*

Tại một hội nghị về Việt Nam tổ chức ở Hoa Kỳ vào cuối thập niên 1990 tôi gặp một giáo sư đại học từ trong nước qua tham dự. Trong lúc trao đổi với nhau về những chuyện chung quanh Tết 1968, ông kể vào đầu năm 1998 nhân dịp kỉ niệm 30 năm Tổng tấn công Tết Mậu Thân một hội thảo đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và có sự tham dự của Tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau hội thảo, Tướng Giáp đưa nhận xét: “Chỉ có hội mà không có thảo”. Tôi hỏi vì sao, giáo sư cho biết các bài viết về chiến dịch Tổng tấn công Tết Mậu Thân chỉ được đọc, nhưng không ai được hỏi hay thảo luận, phân tích.

Giáo sư cũng chia sẻ với tôi quan điểm của ông là Tướng Giáp không phải là người phát động cuộc tổng công kích, cũng như ông Hồ Chí Minh không phải là người chủ xướng vì lúc đó sức khoẻ yếu và ông Hồ đã phải đi chữa bệnh ở Trung Quốc, không còn thực sự nắm quyền. Chính phe Lê Duẩn, Lê Đức Thọ chủ trương dùng quân sự để tấn công, mong dân chúng tổng nổi dậy cướp chính quyền.

Luận điểm này có thể là cách để chạy lỗi cho ông Hồ Chí Minh và Tướng Giáp về thất bại Mậu Thân vì thiệt hại nhân mạng của du kích Việt Cộng và bộ đội rất cao trong khi nhân dân không nổi dậy mà lại bỏ chạy. Dù tấn công vào hầu hết các tỉnh thành, kể cả vào Dinh Độc Lập, đại sứ quán Mỹ ở Thủ đô Sài Gòn nhưng bộ đội cộng sản không chiếm giữ được nơi nào lâu, trừ Huế bị chiếm hơn 3 tuần rồi sau đó cũng bị đánh bật ra và khi rút lui đã để lại vụ thảm sát nhiều nghìn thường dân.

Đã có những nghiên cứu cho thấy Tướng Giáp không phải là người chủ trương dùng chiến tranh qui ước với các cuộc tổng tấn công. Ông chỉ muốn dùng lối đánh du kích.

Ngoài ra, còn có giả thuyết cho rằng ông chủ trương hoà hoãn sau những thất bại trong các cuộc tổng tấn công quân sự của Bắc Việt, như Tổng tấn công Mậu Thân 1968 khi đang có sự tham chiến của nửa triệu lính Mỹ, và mùa hè năm 1972 khi lính Mỹ đã rút gần hết.

Tôi còn được nghe nói sau khi kí kết Hiệp định Ba Lê để vãn hồi hoà bình cho Việt Nam, Mỹ rút hết quân, Tướng Giáp không chủ trương chiếm miền Nam bằng giải pháp quân sự mà ông muốn được Hoa Kỳ viện trợ tái thiết miền Bắc như Tổng thống Nixon đã hứa trong thư gửi cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cùng lúc Nixon hứa với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là sẽ phản ứng mãnh liệt nếu Bắc Việt vi phạm hiệp định.

Có phải trong Bộ Chính trị lúc đó đã chia làm hai phe: thân Liên Xô thì hoà hoãn với Mỹ, thân Trung Quốc thì quyết tâm đánh đuổi Mỹ ra khỏi Đông Dương?

Có phải vì hậu quả của những trận bom B-52 ở Hà Nội cuối năm 1972 khiến ông có chủ trương như thế?

Có phải vì thế mà Tướng Giáp đã bị mất chức Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân chỉ vài tháng sau khi bản hiệp định có hiệu lực vào đầu năm 1973?

Có phải chủ trương của phe Lê Đức Thọ – người được trao giải Nobel Hoà bình 1973 cùng với Henry Kissinger – là quyết tâm đánh chiếm miền Nam ngay từ khi đặt bút kí vào bản hiệp định nên Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải thưởng này?

Cho đến nay những bàn thảo trong Bộ Chính trị vẫn còn được bảo mật tuyệt đối.

Tuy nhiên, căn cứ vào sự xuống chức của Tướng Giáp trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, từ anh hùng Điện Biên, tổng tư lệnh quân đội, bộ trưỏng quốc phòng, xuống các chức vụ văn hoá, giáo dục, kế hoạch gia đình. Cùng với chính sách thù nghịch đối với Hoa Kỳ sau khi Việt Nam được thống nhất bằng giải pháp quân sự, có thể suy luận Tướng Giáp đã có quan điểm muốn hoà hoãn, làm thân với Hoa Kỳ hơn là đối đầu.

Quan điểm và chủ trương của Tướng Giáp trong quá khứ là điều khiến ông bị kiểm soát rất chặt chẽ cho đến nay. Khách nước ngoài muốn gặp ông đều phải thông qua Bộ Chính trị.

Gần hai chục năm qua, nhất là sau khi chính cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là Robert McNamara thừa nhận: “Cuộc chiến ở Việt Nam là một sai lầm kinh khủng”, người Mỹ đã muốn có những thảo luận, trao đổi với giới làm chính sách thời chiến tranh để rút ra những bài học, nhưng phía Việt Nam tỏ vẻ lạnh lùng và vẫn cho rằng kẻ chiến thắng không có điều gì cần rút ra từ cuộc chiến đó, chỉ có kẻ bại trận như Hoa Kỳ mới cần tìm ra những bài học.

Tướng Giáp đã nhiều lần được các học viện quân sự, các trường đại học mời qua dự hội nghị nhưng ông không được phép đi. Tôi có dịp hỏi một quan chức người Việt về chuyện này và được trả lời: “Bộ Chính trị sợ Tướng Giáp khi ra nước ngoài sẽ có những phát biểu linh tinh”.

Gia đình Tướng Giáp có con gái đầu lòng, với người vợ đầu tiên, là tiến sĩ Võ Hồng Anh đã có dịp qua Mỹ nghiên cứu khoa học vào thập niên 1990. Bà qua đời năm ngoái.

Với người vợ thứ hai là Đặng Bích Hà, Tướng Giáp có bốn người con: hai cô con gái đầu được ông bà đặt tên Hoà Bình và Hạnh Phúc, hai con trai là Điện Biên và Hồng Nam.

Nếu được gặp tướng Giáp hay bà Đặng Bích Hà, tôi muốn hỏi về những suy nghĩ mà ông bà đã có khi chọn đặt tên cho con là Hoà Bình.

*

Nhắc tới hoà bình, không ai yêu nó bằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông đã viết rất nhiều lời ca với niềm mong ước cho quê hương thôi hết chiến tranh.

“Đêm nay hoà bình”
“Đồng dao hoà bình”
“Chờ hoà bình đến”
“Nắng hoà bình dọi sáng”
“Khi đất nước tôi thanh bình”

Nhưng khi hoà bình đến, chẳng bao lâu ông lại tiếp tục thấy chiến tranh qua những người con gái Việt: “Em ở nông trường, em ra biên giới”.

Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời, các hãng tin quốc tế đưa tin với một chi tiết là quan tài của ông được đặt trên chiếc xe Dodge của Mỹ trên đường đến nghĩa trang. Tôi không hiểu người viết tin đó muốn nói gì qua chi tiết này: Trịnh Công Sơn một trí thức chống Mỹ để cuối cuộc đời khi đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng lại là một sản phẩm của Mỹ?

Nhưng điều tôi vẫn muốn đi tìm câu trả lời là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nhiều lần có cơ hội đến Mỹ, nhưng ông từ chối. Ngay cả vào những phút cuối đời có những người muốn đưa ông sang Hoa Kỳ để chữa bệnh, ông cũng từ chối. Tại sao người nhạc sĩ nổi tiếng nhất của Việt Nam đã có sự chọn lựa như thế?

Một tướng lừng danh muốn đến Mỹ thì không được đi. Một nhạc sĩ thiên tài dù có nhiều cơ hội nhưng lại không muốn đi.

Đó là những bi kịch kéo dài của hoà bình Việt Nam.

© 2010 Buivanphu

About Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú is a community college instructor and a freelance writer from San Francisco Bay Area. He worked with Peace Corps as a volunteer high school teacher in Togo, Africa and an educational consultant for United Nations High Commissioner for Refugees in Southeast Asia. Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps dạy trung học ở Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á.
This entry was posted in ở quê xưa, chính trị Việt and tagged , . Bookmark the permalink.

10 Responses to Bi kịch hoà bình Việt Nam: Tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

  1. Pingback: Bi kịch hoà bình Việt Nam: Tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn « Hãy dành thời gian

  2. Kha says:

    Vậy thì anh, có thể nói theo quan điểm của anh, rằng tại sao ông Trịnh Công Sơn cần phải qua Mỹ?

    Đối với tôi thì chuyện đó cũng bình thường. Có rất nhiều người Việt, sống tại VN, không thân cộng sản, ghét chính quyền đến tận xương, nhưng cũng chẳng có ý muốn qua Mỹ.

    • buivanphu says:

      Chào bạn Kha,

      Tôi thực sự không biết tại sao nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không muốn đến Hoa Kỳ. Theo tôi biết đã có những bạn trẻ, những hội sinh viên đại học, những người bạn thân mời nhạc sĩ qua Mỹ nói chuyện, nhưng ông không qua.

      Năm 1998 ở San Jose có chương trình trình diễn nhạc của Văn Cao, Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Hôm đó có sự hiện diện của nhạc sĩ Phạm Duy và ban tổ chức đã hẹn trước với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để nói chuyện với khán giả qua điện thoại trực tiếp từ Sài Gòn. Nhưng không hiểu vì một lí do gì đó mà giờ chót cuộc nói chuyện đã không thể xảy ra.

      Tôi vẫn còn đang tìm hiểu xem nguyên do nào khiến Trịnh Công Sơn không muốn đến Hoa Kỳ, cũng như tại sao ông đã không thể nói chuyện qua điện thoại với khán giả yêu mến ông ở San Jose vào dịp kể trên.

      – Bùi Văn Phú

  3. Kha says:

    Vậy khi nào anh tìm và hiểu xong thì nhớ chia sẻ nhé. Tôi cũng muốn biết lắm.

    Trân trọng,

    Kha

  4. Le Nguyen says:

    Đây là một bài viết hay với góc nhìn rất nhân bản.

  5. Huongtra says:

    Tâm tình với Bạn:

    Tôi nghĩ: Trịnh Công Sơn vì tình yêu hạnh phúc. Song, hạnh phúc cho riêng mình hoặc tập hợp nhỏ và thờ ơ hoặc đè người khác và xã hội loài người xuống là ngu xuẩn, vì đó là hạnh phúc đơn giản sẽ dẫn đến hậu quả lâu dài là tự hủy mình.

    Hạnh phúc mà người dưới sẵn sàng “đỡ” người trên khỏi ngã, người trên kéo người dưới lên để cùng xây dựng và hưởng hạnh phúc thì tư tưởng ấy là vĩ đại.

    Có nhà thơ lớn nào coi tình yêu hạnh phúc lại bé đâu. Vậy suy ra Trịnh Công Sơn có tình mênh mông.

    Tôi nghĩ chắc là Trịnh Công Sơn sợ sang Mỹ sẽ thấy cảnh Mỹ mà khóc hết nước mắt vì thương mẹ Tổ Quốc của mình đang oằn mình với đau đớn và đói gầy. Là nhà thơ (nhà tinh thần, tình cảm) chắc ông nghĩ: thà ở nhà an ủi, động viên mẹ Tổ Quốc và đàn anh đàn em.

    Mẹ Tổ Quốc đang đau, đang dùng thuốc cây nhà lá vườn, chưa nhờ được người giúp, thì sao Sơn đang tâm nhờ người giúp riêng mình!

    Tôi đoán thế có phải không hả các bạn?

  6. THẠCH SANH says:

    Tại sao Ông Trịnh Công Sơn phải qua nuớc Mỹ, để làm gì? Để đi rửa đĩa, lau cầu, cắt cỏ, làm móng như bao nhiêu người ham đô-la hồi mới qua nước Mỹ sao. Ông ấy không có sức khỏe cũng không cần tiền nhiều lắm nên ông ấy không đi, đơn giản vậy thôi. Đi ở nhờ ở đậu trên đất nước 300 năm họ làm giàu sẵn rồi, qua hưởng thụ những thành quả của họ mà tự hào lắm sao?

    • Bùi Văn Phú says:

      Tôi chỉ thắc mắc tại sao Tướng Võ Nguyên Giáp không được qua Mỹ theo lời mời của nhiều học viện, tổ chức và đại học Hoa Kỳ trong những hội thảo liên quan đến chiến tranh Việt Nam, quan hệ Việt-Mỹ. Trong khi đó tôi biết ngoài những chuyến đi Hoa Kỳ của các Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã có nhiều tướng khác như Nguyễn Đình Ước, Đặng Vũ Hiệp cũng đã đến Mỹ dự các hội thảo.

      Tại sao Bộ chính trị không cho Tướng Giáp đi Mỹ?

      Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi không nói đến việc ông qua Hoa Kỳ sinh sống. Đã có nhiều người mời ông qua tham quan và ông cũng không đi.

      Một lần ông qua Canada, ngay cạnh nước Mỹ, thăm gia đình và có hội sinh viên tại một đại học danh tiếng ở miền đông Hoa Kỳ mời ông qua nói chuyện âm nhạc, văn hoá nhưng ông cũng từ chối. Vì sao?

  7. THẠCH SANH says:

    Tôi nghĩ bài viết của ông Phú là quan điểm của riêng ông. Ai cũng có quyền bày tỏ quan điểm thắc mắc của mình. Nhưng huongtra lại lợi dụng bài viết của ông nói rằng sợ Trịnh Công Sơn qua nước Mỹ rồi thấy nước Mỹ hoành tráng quá rồi khiếp sợ, còn dân Việt Nam thì đói gầy và đau đớn làm ông khóc lóc. huongtra sỉ nhục ông Trịnh Công Sơn, sỉ nhục người dân Việt Nam trong nước, sỉ nhục tổ quốc mình.

  8. tuế says:

    “Đó là những bi kịch kéo dài của hoà bình Việt Nam.”. Câu này ông viết vớ va vớ vẩn. Hoà bình mà là bi kịch kéo dài…

Leave a reply to THẠCH SANH Cancel reply