Nên cho học sinh chọn nhiều ngoại ngữ khác nhau

Bùi Văn Phú

Một lớp học Việt ngữ cuối tuần ở California (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Khi có thông tin về việc lãnh đạo giáo dục đưa thêm ngoại ngữ gồm tiếng Hàn và tiếng Đức vào chương trình học từ lớp 3 đến lớp 12, tôi không ngạc nhiên với đề nghị này, vì Việt Nam đang trên đường phát triển và hội nhập với thế giới nên việc học sinh học thêm ngoại ngữ của những quốc gia tiến bộ là điều cần thiết trong mô hình giáo dục của một quốc gia phát triển.

Lãnh đạo giáo dục Việt Nam muốn quân bình Đông Tây trong chương trình dạy ngoại ngữ cho học sinh Việt Nam, dù tiếng Anh đang được dạy tại nhiều trường ngay từ cấp Một. Vấn đề là nếu muốn đem vào chương trình học những ngoại ngữ khác, hiện đã có giáo viên đủ trình độ để giảng dạy hay không và trên đại học có khoa sư phạm để huấn luyện thày cô cho những ngoại ngữ này chưa.

Ở Mỹ dạy học từ lớp 1 đến lớp 12 giáo viên phải có bằng sư phạm, ít nhất là 4 năm đại học. Dạy cấp Một cần bằng sư phạm tổng quát, lên cấp Hai và cấp Ba là bằng sư phạm chuyên cho môn học muốn dạy.

Ngoại ngữ chưa được dạy nhiều ở cấp Một tại Hoa Kỳ, chỉ chưa đến 30% các trường và đa số trong khu vực khá giả. Lên đến cấp Hai cũng chưa có nhiều, chừng 50% các trường có dạy ngoại ngữ. Cấp Ba thì hầu như trường nào cũng dạy ngoại ngữ, vì học sinh tốt nghiệp phổ thông nếu muốn được nhận vào các đại học 4 năm thì rất nhiều trường đòi điều kiện học sinh đã có học một ngoại ngữ ít nhất hai năm và được điểm C hay cao hơn.

Các ngoại ngữ được dạy trong chương trình phổ thông tại Hoa Kỳ thì tiếng Tây Ban Nha (Spanish) là phổ thông nhất, sau đến tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý. Ở California ngoài những ngoại ngữ kể trên, trong chương trình phổ thông còn có tiếng Nhật, tiếng Trung và tiếng Việt.

Cần hiểu rằng ở Mỹ không có một chương trình giáo dục toàn quốc mà các quyết định về giáo trình đều do cấp địa phương quyết định, từ những hội đồng giáo dục (Board of Education) được cư dân bầu lên, vì thế chính sách phản ánh nhu cầu thực tế tại địa phương.

Nhiều khu vực vì trình độ học sinh kém toán và Anh ngữ nên chương trình học dành nhiều thời gian và chú trọng đến các môn học này để giúp các em tiến bộ hơn. Việc học ngoại ngữ hay các bộ môn như âm nhạc, hội hoạ, nghệ thuật không được quan tâm nhiều.

Từ hơn hai thập niên qua tiếng Việt cũng đã được chính thức công nhận là một ngoại ngữ ở California, sau khi người Việt vận động để tiểu bang công nhận và đưa vào chương trình phổ thông.

Các trường cấp Ba nhiều nơi tại California có dạy môn Việt ngữ, như tại một số trường ở Quận Cam và vùng San Jose.

Lên bậc đại học cũng có môn học Việt ngữ hay ở cấp cao hơn là văn chương Việt nằm trong giáo trình hai năm đầu đại học. Trong vùng Vịnh San Francisco các trường San Jose City College, College of Alameda là các trường cao đẳng 2 năm, hay các trường California State University-East Bay, U.C. Berkeley là đại học 4 năm là nơi có môn Việt ngữ cho sinh viên học ngoại ngữ.

Dưới miền nam California các đại học từ Orange Coast College, Cal State Long Beach đến U.C. Los Angeles đều có dạy môn tiếng Việt.

Đại học U.C. Berkeley ở California có dạy hơn 60 ngoại ngữ (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Ở đại học, các ngoại ngữ phổ thông là tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý. Nhiều trường cũng có dạy tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Ả Rập và ngay cả những ngôn ngữ ít phổ thông hơn như tiếng Hebrew, tiếng Hàn, tiếng Hy Lạp, tiếng Hmong nhiều trường đại học Mỹ cũng mở lớp mỗi niên khoá.

Riêng Đại học Berkeley có đến hơn 60 ngoại ngữ được giảng dạy, từ các ngôn ngữ thông dụng đến các cổ ngữ cần biết để nghiên cứu.

Nếu phụ huynh muốn cho con em học ngoại ngữ từ nhỏ thì có các trường chuyên dùng ngoại ngữ để giảng dạy cho học sinh ngay từ cấp Một, nhưng là các trường tư. Ở Berkeley có trường tiếng Pháp, Oakland và San Francisco có nhiều trường tiếng Trung. Học sinh cấp Một tại các trường này vẫn theo giáo trình với các môn học chính như Anh ngữ, toán, khoa học thường thức, nhưng ngôn ngữ giảng dạy được dùng là ngoại ngữ mà phụ huynh muốn con em được học, gọi là chương trình “immersion”.

Không có các trường “immersion” bằng tiếng Việt, nhưng nhiều phụ huynh muốn con học tiếng Việt, hiểu văn hoá nguồn cội nên mỗi cuối tuần đã đưa các em đi học tiếng mẹ đẻ tại hàng trăm trung tâm Việt ngữ khắp nơi ở Hoa Kỳ. Đây cũng là cách giúp cho con em học thêm một ngoại ngữ và nếu chăm chỉ, khi hết bậc phổ thông các em sẽ biết ba ngôn ngữ.

Tại Việt Nam hiện nay có nhiều trường quốc tế hoàn toàn sử dụng Anh ngữ trong các sinh hoạt tại trường.

Việc biết thêm một ngôn ngữ có nhiều điểm lợi cho học sinh, sinh viên trong tương lai. Tôi đã trải nghiệm và nhận ra khả năng tiếng Việt đã giúp mình nhiều.

Đến Mỹ được hai năm, tôi xin vào học Đại học U.C. Berkeley và bị từ chối với lý do không hội đủ điều kiện đã có học một ngôn ngữ khác, ngoài Anh ngữ được coi là chính khi nộp đơn. Tôi khiếu nại, với lý do là tôi thành thạo tiếng Việt, như thế nhà trường có thể chấp nhận là tôi biết một ngoại ngữ hay không.

Tại Mỹ có hàng trăm trung tâm Việt ngữ cuối tuần cho trẻ em học tiếng mẹ đẻ (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Nhà trường trả lời họ chấp nhận tiếng Việt là một ngoại ngữ và để chứng minh khả năng, họ yêu cầu tôi lấy một bài khảo sát Việt ngữ của trường đưa ra.

Tôi đi thi tiếng Việt. Đề thi là một bài văn viết về cái chết của triết gia Camus, trong đó 100 từ vựng được xoá đi và tôi phải điền vào chỗ trống những từ cho hợp nghĩa. Kết quả tôi đủ điểm để chứng minh là người sành sõi tiếng Việt, nghĩa là biết một ngoại ngữ, và được nhận vào trường.

Mười lăm năm sau. Khi đã có bằng sư phạm toán, tôi muốn có bằng sư phạm Việt ngữ để nếu cần có thể dạy môn này, vì tôi yêu mến tiếng mẹ đẻ. Khi California công nhận tiếng Việt là một ngoại ngữ trong chương trình giáo dục, tôi lại đi thi. Kỳ thi do một trung tâm giáo dục của Đại học California State University-San Diego phụ trách và gồm thi viết và vấn đáp với ba giáo sư. Kết quả tôi được cấp văn bằng sư phạm Việt ngữ của tiểu bang California.

Tôi không dạy Việt ngữ bậc phổ thông, nhưng thỉnh thoảng có hướng dẫn hội thảo cho giáo chức địa phương về ngôn ngữ, văn hoá Việt hoặc tình nguyện dạy Việt ngữ cho các em nhỏ trong khu vực.

Kể chuyện học ngoại ngữ để cho thấy biết thêm một ngôn ngữ nhiều khi đem lại những lợi ích cho bản thân.

Ngày nay tiếng Anh đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới, việc dạy tiếng Anh cho học sinh Việt từ nhỏ là điều cần thiết và cần mở rộng. Tuy nhiên không vì thế mà không cho học sinh cơ hội học thêm các ngoại ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha vì tương lai Việt Nam sẽ có nhiều phát triển quan hệ với những quốc gia sử dụng những ngôn ngữ đó và trong nhiều ngành nghề tương lai sẽ cần người thông thạo nhiều ngoại ngữ và có hiểu biết về những nền văn hoá khác.

Vấn đề là hệ thống giáo dục Việt Nam đã có đủ điều kiện tài chính và vật chất để đào tạo thày cô với đầy đủ kiến thức và khả năng chuyên môn để dạy những ngoại ngữ đó hay chưa.

© 2021 Buivanphu

Nên cho học sinh chọn nhiều ngoại ngữ khác nhau * Ngày nay tiếng Anh đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới, việc dạy tiếng Anh cho học sinh Việt từ nhỏ là điều cần thiết và cần mở rộng. Tuy nhiên không vì thế mà không cho học sinh cơ hội học thêm các ngoại ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha

About Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú is a community college instructor and a freelance writer from San Francisco Bay Area. He worked with Peace Corps as a volunteer high school teacher in Togo, Africa and an educational consultant for United Nations High Commissioner for Refugees in Southeast Asia. Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps dạy trung học ở Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á.
This entry was posted in giáo dục and tagged , . Bookmark the permalink.

1 Response to Nên cho học sinh chọn nhiều ngoại ngữ khác nhau

  1. huu le says:

    Vietnamese immersion (dual) program
    Học khu Franklin McKinley School District, San Jose bắt đầu chương trình:
    – niên học 2019-2020 lớp TK
    – niên học 2020-2021 lớp 1st grade
    tại trường Windmills Spring, San Jose
    Dự định mỗi năm sẽ thêm lên 1 lớp cho tới lớp 6th grade.
    Nếu muốn biết thêm về chương trình, liên lạc bà Taylor, người Việt làm việc ở FMSD.
    Xin cám ơn anh về những bài viết trong nhiều năm qua.

    Lv Huu, San Jose

Leave a comment