Chung quanh việc BBC Tiếng Việt đăng bài của Đỗ Ngọc Bích

Bùi Văn Phú

[Bài đã đăng lần đầu trên talawas blog 29.04.2010, nay bổ túc với tài liệu mới của Đinh Kim Phúc, Đỗ Ngọc Bích và Thiên Đức]

*

Hơn một tháng trước đây, sau khi đọc bài “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” của Đỗ Ngọc Bích trên mạng BBCVietnamese.com ngày 17.04.2010, tôi cho đó là một cách nhìn của tác giả và có những điểm mà tôi không đồng ý.

Từ ngày còn bé ở quê nhà tôi đã được học về truyền thuyết người Việt là con cháu Âu Cơ – Lạc Long Quân, là con Rồng cháu Tiên và tự hào về điều này, cũng như người Nhật hãnh diện họ là con cháu của Thái dương Thần nữ.

Còn thực ra nguồn gốc giống dân Việt đến từ đâu thì không ai có thể xác minh rõ và vấn đề còn nhiều tranh cãi.

Về văn hoá, Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hoá Trung Hoa vì người Tàu đã chiếm đóng nước ta cả nghìn năm. Thí dụ như hình thức thơ văn và ngay cả Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng dựa trên một tác phẩm văn học Trung Hoa. Những kiến trúc ở chùa cổ, ở cố đô Huế mang rất nhiều nét hoa văn của người Hoa.

Điều này chẳng lạ vì với một nghìn năm đô hộ thì văn hoá bản địa rất có thể đã bị xóa hết. Như người Tây Ban Nha đến chiếm nhiều nước Mỹ La-tinh khiến những nguồn văn hoá cổ Maya, Atzec nay chỉ còn lại ít nhiều di tích. Hoa Kỳ dù mới lập quốc hơn hai trăm năm, nếu không có những chính sách bảo vệ giống dân và văn hoá da đỏ thì ngày nay nền văn hoá đó cũng mất đi. Cũng như cuộc nam tiến của dân tộc Việt đã xoá đi nhiều dấu vết văn hoá Chiêm Thành.

Sau này đọc một số sách, trong đó có nhiều tác phẩm của triết gia Kim Định về triết lí Việt Nho tôi được biết có những nét văn hoá của Trung Hoa ngày nay mà nguồn gốc chính là từ người Việt và vì thế tôi có niềm tin vào văn hoá dân tộc nhiều hơn.

Lịch sử dân tộc Việt dù bị một ngàn năm đô hộ bởi người Tàu nhưng cha ông chúng ta cũng đã giành được độc lập cho đất nước. Với một giải giang sơn như ngày nay, đây là bằng chứng không thể chối cãi về tinh thần độc lập và quyết tâm chống ngoại xâm của dân tộc Việt.

Đỗ Ngọc Bích đưa ra luận điểm Trung Quốc đã giúp Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đánh thắng Mỹ đưa đến sự xoá tên của Việt Nam Cộng hoà thì người Việt phải biết ơn Trung Quốc chứ không nên chống lại. Điều này giống như Đảng Cộng sản Việt Nam nói họ có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước thì người dân không có lí do gì để chống lại Đảng. Cũng như có người cho rằng chính phủ Hoa Kỳ hay các nước Anh, Pháp, Đức v.v… đã cho người Việt định cư thì họ phải biết ơn chứ không được chống lại chính sách của các nước này. Những lập luận như thế không đứng vững trong một nước tự do, dân chủ nơi người dân được quyền nói lên quan điểm, được quyền phản biện các chính sách của nhà nước.

Bài viết của tác giả Đỗ Ngọc Bích tạo ra một làn sóng phản đối và rồi qua bài viết thứ hai của cô, thay vì trả lời những phản bác để bảo vệ quan điểm của mình thì cô lại chỉ chỉ trích – có phần đúng – về những phản biện có tính phỉ báng cá nhân. Tôi hoàn toàn phản đối những lời mạ lị cá nhân, đi ra ngoài chủ đề tranh luận, nhưng không vì thế mà cô không trả lời những ý kiến chính đáng về những luận điểm cô đã đưa ra trong bài viết của mình.

Sau đó qua những e-mails trao đổi, phổ biến trên mạng x-cafevn.org ngày 23.04, giữa một người muốn tìm rõ ngọn nguồn sự việc BBC Tiếng Việt đã đăng bài của Đỗ Ngọc Bích – với lời giới thiệu sai lầm về tác giả là người có học vị tiến sĩ và nơi giảng dạy là Đại học Yale – và những trả lời của cô với các giáo sư và những người liên hệ, vấn đề mà tôi và nhiều độc giả muốn được biết rõ hơn từ phía cô Bích về bản gốc mà cô đã gửi đến BBC. Theo một e-mail do cô viết thì ban biên tập BBC Tiếng Việt đã sửa bài làm sai lạc ý của cô. Như thế bài viết nguyên thủy có những ý chính khác với bài đã được đưa lên mạng ra sao?

Nếu cô không chứng minh được việc làm sai của BBCVietnamese.com thì những quan điểm cô đã trình bày trong bài là đúng như thế. Hay là cô đang tham vấn với luật sư để kiện BBC ra toà như đã viết trong e-mail?

Qua vụ việc này, có độc giả ngay lập tức đòi trưởng ban Việt ngữ là ông Nguyễn Giang phải từ chức hay yêu cầu ban giám đốc BBC cắt chức ông. Tôi thấy BBC Tiếng Việt chỉ có lỗi vì ghi sai học vị và công việc của tác giả Đỗ Ngọc Bích và ông Nguyễn Giang đã có lời xin lỗi trên BBCVietnamese.com ngày 22.04. Còn bài viết là những quan điểm, ý kiến khác biệt mà BBC muốn đưa lên để tranh luận vì bàn về nguồn gốc dân tộc và văn hóa, nhất là cổ sử và văn hoá cổ vẫn còn nhiều mơ hồ tranh cãi. Các phản biện về bài viết của Đỗ Ngọc Bích đã chứng minh điều nay.

Trước những phản đối và phàn nàn liên quan đến việc đăng bài của Đỗ Ngọc Bích được gửi đến giới chức của tổng đài BBC, ban giám đốc đài đã trả lời. Học giả Đinh Kim Phúc nhận được phản hồi từ ông Neil Curry là Executive Editor, Head of Business Development, Asia and Pacific, BBC World Service và cho phổ biến trên mạng anhbasam.com ngày 4.5.2010. Dưới đây là một đoạn trích thư đề ngày 29.04 của ông Curry gửi ông Đinh Kim Phúc.

“Cảm ơn ông đã email về diễn đàn trực tuyến Ban Việt Ngữ BBC, đặc biệt bài về ý kiến của bà Đỗ Ngọc Bích, lần đầu tiên được đăng trên trang web ngày 17 tháng 4, và sau đó là bài trả lời của ngày 20 tháng 4 năm nay của bà Bích, cả hai đều đúng với bản chính.

Trước hết, tôi thành thật xin lỗi về việc của chúng tôi đưa tin sai về chức danh và xác định tư cách của tác giả, tuy nhiên tôi xin chỉ ra rằng, điều này đã được sửa ngay sau khi nhóm đã được thông báo. Chúng tôi vô cùng hối tiếc vì sự thiếu chính xác này và nhóm phụ trách chương trình tiếng Việt đã nghiêm túc thảo luận bài học này trong hai cuộc họp ban biên tập đặc biệt để nâng cao quá trình ủy nhiệm của họ trong phạm vi Diễn đàn chịu ảnh hưởng.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng quan điểm của tác giả không phải là quan điểm của BBC. Tương tự áp dụng cho ba bài “phản biện” mà sau đó được đăng trong mục. Đây là một nguyên tắc cơ bản của các Diễn đàn bình thường.

Tất cả những điều chúng tôi làm đã được hướng dẫn bởi tính công bằng và độc lập trong biên tập. Chúng tôi không thể, và không làm, đó là đứng về phía bên nào trong bất kỳ cuộc tranh luận, cho dù chủ đề tranh cãi có như thế nào đi nữa. Trên trang web của chúng tôi, Diễn đàn là một nền tảng cho các quan điểm trong phạm rộng nhất có thể được, cho dù là chính trị, văn hóa, lịch sử và sự tồn tại của nó là để khuyến khích tranh luận trong một môi trường tự do và cởi mở. Vì lý do này, chắc chắn “User Generated Content” (nội dung phát sinh từ phía người sử dụng) trên trang web của BBC có thể gây ra sự bất mãn nhưng chúng tôi luôn luôn đón nhận những lời chỉ trích, phản hồi và quan điểm khác…”

Như thế đã không có việc nội dung bài viết của Đỗ Ngọc Bích bị sửa đổi và việc đăng bài của cô là vì tính chất tranh luận của nó và bài viết phản ánh quan điểm của người viết chứ không phải của BBC Tiếng Việt.

Ngày 4.5 cũng trên mạng anhbasam.com Đỗ Ngọc Bích đã nhờ phổ biến bài viết trên facebook của cô nhằm giải thích rõ chuyện cô đã viết lên những ý tưởng để rồi thành bài viết đã được BBC Tiếng Việt đăng ngày 17.4. Trong thư đó cô thừa nhận nội dung bài viết không bị sửa đổi mà chỉ có chức danh và công việc của cô được một người bạn học cũ là biên tập viên ban Việt ngữ – người chịu trách nhiệm đưa bài của cô lên mạng – đã “bốc” lên quá trong lời giới thiệu. Cô nói cô không phải người viết báo chuyên nghiệp và trách BBC Tiếng Việt đã không biên tập bài viết để cho rõ ý những điều cô muốn nói hơn.

Mới đây nhất trên mạng vietvungvinh.com ngày 30.05.2010 có tác giả Thiên Đức, tự nhận là “một người mang dòng máu Việt Nam xa xứ” đã đưa ra những cáo giác cho rằng qua bài viết đăng trên BBC, Đỗ Ngọc Bích đã “phản bội tổ quốc” và “phá hoại chính sách đoàn kết”, như thế đã phạm luật hình sự Việt Nam và cần được xử phạt.

Luật lệ ở đâu mà kì lạ thế. Như đã trình bày ở trên, có nhiều điểm tôi không đồng ý với tác giả Đỗ Ngọc Bích, nhưng tôi thấy cô chẳng vi phạm luật lệ hình sự. Đề nghị Thiên Đức đại diện cho những người Việt Nam bị cô Đỗ Ngọc Bích xúc phạm hãy kiện cô ra toà Việt Nam về những tội danh nêu trên để “chận đứng những mầm mống phản bội tổ quốc, với hy vọng sẽ tạo ra được những tiền lệ pháp lý xử lý nghiêm túc sự việc để không còn những Ðỗ Ngọc Bích khác trong tương lai” như tác giả viết trong bản cáo giác và đã được gửi đến những cơ quan chức năng ở Việt Nam.

Tôi cộng tác với BBC Tiếng Việt từ những năm cuối thập niên 1980 cho đến nay. Điều khiến tôi đóng góp phóng sự truyền thanh hay bài viết – dù chỉ là một nhà báo độc lập và cũng có khi bài không được đăng – là vì tính trung thực và sự độc lập của đài từ hơn nửa thế kỉ qua. Việc đăng hay không đăng bài viết của một tác giả gửi đến thì mỗi cơ sở truyền thông có tiêu chí riêng. Hơn nữa, tôi thích BBCVietnamese.com vì trong thời đại thông tin điện tử toàn cầu thì ý kiến độc giả rất nhiều, nhưng được đài chọn lọc, để không trùng lặp, không lạc đề hay bôi bác cá nhân trước khi đưa lên. Như thế mới nâng cao tinh thần tranh luận về những quan điểm khác biệt, chứ không phải là một nơi để xả rác như một số mạng thông tin khác.

Là thính giả và độc giả sống ở những quốc gia mà quyền tự do phát biểu, quyền tự do thông tin báo chí được tôn trọng vì thế độc giả được quyền phản biện, phản đối và cả khiếu kiện nếu như thấy đài có những thông tin thiếu trung thực.

Trong quá khứ ban biên tập BBC Tiếng Việt cũng như ban giám đốc BBC đã nhận được những phản đối từ độc giả về một số thông tin đăng trên BBCVietnamese.com và những ý kiến đó đã được coi như chỉ trích xây dựng, được đem ra thảo luận để giúp đài làm đúng chức năng truyền thông, nâng cao phẩm chất để phục vụ thính giả và độc giả tốt hơn, xứng đáng với danh tiếng là một cơ quan truyền thông độc lập, trung thực đã được nhiều dân tộc trên thế giới biết đến trong những thập niên qua.

© 2010 Buivanphu

About Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú is a community college instructor and a freelance writer from San Francisco Bay Area. He worked with Peace Corps as a volunteer high school teacher in Togo, Africa and an educational consultant for United Nations High Commissioner for Refugees in Southeast Asia. Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps dạy trung học ở Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á.
This entry was posted in cộng đồng, chính trị Việt and tagged , . Bookmark the permalink.

4 Responses to Chung quanh việc BBC Tiếng Việt đăng bài của Đỗ Ngọc Bích

  1. Pingback: Bùi Văn Phú làm thay trưởng ban Việt ngữ BBC (?) « BÁO TỔ QUỐC

  2. Khang says:

    Tôi là Khang, đang sống và làm việc tại VN. Đọc các bài viết của anh tôi thấy rất hữu ích. Tôi muốn làm quen với anh được không?

    • buivanphu says:

      Bạn Khang,

      Tôi có thư riêng cho bạn, nhưng thư bị trả về vì điạ chỉ của bạn không có thực.

      – Bùi Văn Phú

  3. Nấm Mèo says:

    Chào chú. Đọc những bài viết của chú cháu thấy rất hay và đồng tình với ý kiến của chú. Việc một số người dùng tự do báo chí để nhiều lúc xuyên tạc Việt Nam, song điều gì đã khiến họ làm như thế. Theo cháu có hai mục đích:

    Điều 1: sự tha hóa trong cách suy nghĩ của một số người.

    Điều 2: một số sự việc diễn ra trong thời gian gần đây làm cho suy nghĩ chúng ta phải thay đổi.

    Nhưng chú hãy nhìn thử xem, những đất nước có quyền tự do ngôn luận là những “siêu cường quốc” và những người như thế này thế nọ mới dám dựa vào quyền tự do ngôn luận của các nước mạnh khác để bàn luận chuyện nước yếu thế.

    Việt Nam đang hội nhập và phát triển và việc bảo vệ ngôn luận là điều tất yếu. Song lớp trẻ ngày nay sẽ góp phần phát triển đất nước, mọi khuất mắt thời hiện nay sẽ được giải quyết trong tương lai chú nhỉ! Dù sao cháu luôn trung thành với Đảng và Bác Hồ kính yêu!

Leave a comment