Mỗi năm, có một ngày

Bùi Văn Phú

Sáng 30-4. Cái mốc thời gian không quên trong đời tôi, và trong tim hàng triệu người Việt. Lãnh đạo cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà ra lệnh cho binh sĩ buông súng. Miền Nam đầu hàng miền Bắc. Cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn chấm dứt.

Nhưng lòng buồn nhiều hơn vui. Gia đình bỏ lại. Bạn bè lìa xa. Lênh đênh trên biển. Con tàu không máy rồi sẽ trôi dạt về đâu?

Tranh do một thuyền nhân trong trại tị nạn ở Hong Kong vẽ năm 1986

Mỗi năm tôi hay ra biển vào ngày cuối tháng Tư, nhìn về quê nhà mà lòng quặn đau. Mặt trời tháng Tư chầm chậm vàng úa rồi tắt, để lại những tiếng sóng, khi nhẹ nhàng, khi bồng bềnh, nổi trôi. Như thân phận cuộc đời.

Đứng trước biển nhớ bố mẹ, các em mà rơi nước mắt. Nhớ bạn bè thân thương thuở còn học chung với nhau mà buồn hơn cả buổi chiều tàn. Nhớ những ngày lênh đênh không mái che. Nhớ nước muối cùng nắng ăn sạm da mặt. Mong chờ một cơn mưa giông gột rửa. Nhớ nắm cơm thùng phuy trên tàu Đông Hải 2000. Mơ được đến bến bờ.

Chiều ra biển nhớ về Subic Bay xanh cỏ. Nhớ bãi biển Guam đầy đá nhọn. Nhớ Camp Pendleton ở lều lính giữa đồi cỏ khô.

Đứng ở biển nhìn về San Francisco đêm rực rỡ ánh đèn nhớ Singapore của tháng 5-1975 khi con tàu đến đó. Không được lên bờ mà chỉ neo xa xa.

Chiều nhìn ra biển. Xa thẳm bên kia là quê nhà. Lòng thầm hát câu thương nhớ:

Sài Gòn ơi! Tôi đã mất người trong cuộc đời
Sài Gòn ơi! Thôi đã hết thời gian tuyệt vời…

[Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt, nhạc Nam Lộc]

Nhìn qua biển rộng mà nghĩ mông lung. Quê nhà sau 30-4 thay đổi thế nào? Hoà bình đến rồi sao những con người Việt Nam còn lao ra biển lớn bất chấp thủy thần, sóng dữ.

Ở bên nhà đôi tay ngà em vục bùn đen
Ở bên nhà đôi môi mềm thu vạn tủi oán
Ở bên này sống với ác mộng
Từng đêm ngày anh ra biển rộng…

[Ở bên nhà, nhạc Phạm Duy]

Đứng nhìn biển. Bên này thấp thoáng tàu vào bến cảng. Bên kia thuyền vượt biển. Người thân, đồng bào đang trôi dạt về đâu.

Trời mong manh ôi đời lênh đênh
Thuyền bấp bênh cuộc sống mơ hồ
Lời kinh cầu từng ngày quen thuộc
Lời mẹ buồn như tiếng Nam Mô…

[Lời kinh đêm, nhạc Việt Dzũng]

Chiều tháng Tư ra biển. Nhìn về quê nhà. Nơi chân trời như thấy có trại học tập cải tạo. Như thấy các em đang lao động vinh quang. Thấy thanh niên xuống đường càn quét văn hoá Mỹ ngụy. Thấy công an xông vào đánh tư sản mại bản. Thấy bo bo, mì sợi.

Gửi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con quê hương quá đọa đầy…
Gửi về cho em kẹo bánh thơm ngon
Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng…

[Một chút quà cho quê hương, nhạc Việt Dzũng]

Tháng Tư California có hoa vàng nở rộ bên đường

Mùa này California nở rộ hoa vàng. Cuộc đời không còn nhiều nỗi buồn. Nhưng sẽ chẳng bao giờ vui. Nếu đó là ngày cuối tháng Tư.

(ảnh trong bài của tác giả)

© 2012 Buivanphu

About Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú is a community college instructor and a freelance writer from San Francisco Bay Area. He worked with Peace Corps as a volunteer high school teacher in Togo, Africa and an educational consultant for United Nations High Commissioner for Refugees in Southeast Asia. Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps dạy trung học ở Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á.
This entry was posted in tản văn, đời sống and tagged , . Bookmark the permalink.

2 Responses to Mỗi năm, có một ngày

  1. Thạch Sanh says:

    HÃY KHOE ĐI BẠN !

    Hãy khoe đi, hỡi người bạn tài hoa
    Những hình ảnh đất nước mình hôm nay
    Nơi bạn mới về rong chơi hạnh phúc
    Bạn hãy khoe những hình ảnh quê nhà
    Mà tất cả đang trên đà “đổi mới”
    Những thành thị xưa kia nhiều “ổ chuột”
    Nay bỗng dưng đẹp tựa một thiên đường.

    Hãy khoe tôi những cảnh tượng phố phường
    Những con người lúc nào cũng rộn ràng, hạnh phúc
    Đất nước đã từ lâu không còn khói lửa
    Nên hòa bình đã thỏa ước lòng dân.

    Hãy khoe tôi những yến tiệc tưng bừng
    Của những ngày mừng đất nước ta độc lập
    Nơi tất cả toàn dân tưng bừng đón pháo hoa
    Khi dân mình không còn nghèo đói nữa
    Mà gạo, tôm, cá xuất khẩu đi khắp năm châu
    Niềm hạnh phúc của người dân một thời nô lệ
    Mà tất cả, trong đêm dài thui thủi
    Ngược xuôi tìm đường giải phóng cho dân mình.

    Hãy khoe tôi những vùng đất “bưng biền”
    Những khu nhà ổ chuột bên những dòng kinh thúi
    Nay trở thành những khu phố khang trang
    Những dòng kênh thì sạch đẹp thơ mộng quá
    Như đang khoe mình kêu gọi khách phương xa.

    Hãy khoe tôi chốn thờ phượng nguy nga
    Để dân ta tôn thờ những anh hùng của lịch sử
    Những danh lam thắng cảnh muôn màu của nước Việt
    Đang vươn tới khoe mình theo hương gió.

    Hãy khoe tôi hình ảnh Hà Nội hôm nay
    Thành phố đã chết từ năm 72 ngày tháng đó
    Khi triệu người phải sơ tán để tránh mưa bom của Mỹ
    Nay trở thành một Thủ Đô kêu sa của nước Việt.

    Hãy khoe tôi những gì Rồng Việt Nam đang vươn mình trổi dậy
    Mà cả thế giới này phải tỏ lòng mến yêu, kính phục

    ***

    Hãy chứng minh cho thế giới này biết
    Những hình ảnh mà kẻ thù đang toan tính
    Muốn tung ra để cố phỉnh gạt người dân
    Bạn thân ơi, sao không hiểu giùm tôi
    Lòng yêu nước của 86 triệu người dân Việt
    Nửa thế kỷ trong ngục tù rên xiết
    Oán hờn kia dẫu chết chẳng hề than
    Nói giùm tôi ngục tù Côn Lôn, Phú Lợi, Phú Quốc
    Thân trần trụi gong cùm chờ xử tử
    Nhưng không bao giờ có tòa án nào xét xử
    Bị lưu đầy hảm hiếp đánh đập ở đảo xa
    Mà suối lệ chỉ còn là máu đỏ
    Khóc cho người yêu nước ra đi từ năm đó
    Rừng dập vùi, thân xác cõi u minh
    Nói giùm tôi số phận những thương binh
    Đã vì nước quên mình trên chiến trận
    Nay là con của nước Việt xứng đáng được tri ân

    Chụp giùm tôi hình ảnh những cụ già
    Đang vui vầy hạnh phúc bên đàn con cháu
    Buổi chiều bên mâm cơm ngôi nhà hạnh phúc
    Chụp giùm tôi hình ảnh những ngư dân
    Cùng con tàu lướt sóng trên biển Đông
    Lùa đàn cá về Việt Nam xuất khẩu
    Đối diện với kẻ thù họ chưa bao giờ run sợ
    Như những kẻ hèn nhát trốn chạy khỏi quê huơng
    Mồm thì kích động biểu tình đòi Hoàng sa–Trường Sa
    Đồ cái thứ nói ra không biết nhục.

  2. giọng văn buồn như cầu kinh
    ký ức nhịp đều tiếng mõ
    được mất bại thành buông bỏ
    thuyền thả trôi đời lênh đênh

Leave a comment