TNS McCain viết về Tướng Giáp, trong nước bỏ những chỗ “nhạy cảm”

Nhật báo tài chánh của Hoa Kỳ, tờ Wall Street Journal đã có hai bài viết liên quan đến sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Số báo in cuối tuần ngày 5/6-10-2013 trong mục Tưởng nhớ có bài tựa đề: “Architect of French ruin and U.S. pain in Vietnam”.

Báo in ngày thứ Hai 7-10, lên mạng ngày 6-10, trong mục Ý kiến có bài viết của Thượng Nghị sĩ John McCain, tựa: “He beat us in war but never in battle”.

Trên Blog của Lê Anh Hùng có bản dịch trọn bài viết này.

Trong khi đó trên mạng báo Người Lao Động (nld.com.vn) ngày 7-10 có bài dịch tóm lược bài viết của Thượng Nghị sĩ McCain, lược bỏ những chỗ có lẽ mang tính “nhạy cảm”.

Dưới đây là cả hai bản dịch để bạn đọc biết thêm và so sánh.

*

McCain: “VNG đã thắng chúng tôi trong cuộc chiến, chứ chưa bao giờ thắng chúng tôi trong một trận đánh.”

Để đánh bại bất kỳ đối thủ nào, vị tướng Bắc Việt Võ Nguyên Giáp chấp nhận thương vong khổng lồ và sự tàn phá gần như toàn bộ đất nước.

Tôi từng gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người vừa mới mất hôm thứ Sáu – hai lần. Lần đầu tiên diễn ra trong một bệnh viện quân đội của Việt Nam, nơi tôi được đưa đến không lâu sau khi bị bắt năm 1967. Bố tôi là tư lệnh lực lượng quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, và điều đó khiến tôi trở thành đối tượng gây tò mò trong một số giới của nhà cầm quyền Bắc Việt.

Tôi vẫn còn nhớ một vài vị khách cao cấp bên cạnh những lính gác hay những người thẩm vấn mà tôi tiếp xúc hàng ngày. Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng của Bắc Việt, là người duy nhất mà tôi nhận ra. Ông chỉ ở lại một lát, nhìn tôi chằm chằm, rồi im lặng bỏ đi.

Cuộc gặp gỡ thứ hai của chúng tôi diễn ra đầu những năm 1990, trong một trong nhiều chuyến công tác của tôi tới Hà Nội để bàn về vấn đề POW/MIA (tù binh và những trường hợp mất tích trong chiến tranh) và việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trước đó, tôi đã đề nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và Thứ trưởng Lê Mai sắp xếp một cuộc phỏng vấn ngắn với vị tư lệnh huyền thoại của quân đội Bắc Việt.

Hôm sau, tôi được dẫn vào phòng tiếp đón lớn của Phủ Chủ tịch (vốn do người Pháp xây dựng theo phong cách Beaux-Arts cho Toàn quyền Đông Dương), nơi vị tướng đang đợi. Tươi cười, nhỏ nhắn, cao tuổi nhưng hoạt bát, và trong bộ đồ màu xám cùng caravat, thật khó mà nói rằng trông ông giống với tiếng tăm thời chiến của mình như một chiến binh tàn nhẫn với tính khí quyết liệt.

Võ Nguyên Giáp hồ hởi đón tôi dưới bức tượng bán thân khổng lồ của Hồ Chí Minh, người đã dẫn dắt Việt Nam trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cả hai chúng tôi đều vỗ vai nhau như thể là những đồng chí lâu ngày gặp lại chứ không phải là cựu thù.

Trước khi cuộc gặp diễn ra, tôi hy vọng cuộc thảo luận sẽ tập trung vào vai trò lịch sử của ông. Sau khi từ Việt Nam trở về quê hương năm 1973, tôi đọc tất cả những gì đến tay mình liên quan đến cuộc chiến của người Pháp cũng như cuộc chiến của người Mỹ ở đây, bắt đầu với tác phẩm “Hell in a Very Small Place” (Địa ngục ở vùng đất chật hẹp đó), công trình nghiên cứu kinh điển của ông về cuộc bao vây năm 1954 tại Điện Biên Phủ, nơi chế độ thuộc địa của Pháp thực sự chấm dứt và thiên tài của Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên trở nên hiển nhiên trước một thế giới đang kinh ngạc.

Tôi muốn nghe Võ Nguyên Giáp mô tả về trận đánh kéo dài gần hai tháng kia, muốn ông giải thích về cách thức mà quân đội của ông đã khiến người Pháp phải sửng sốt khi làm nên điều không thể là đưa những khẩu pháo băng qua bao núi non và rừng rậm. Tôi còn muốn trao đổi với ông về một kỳ tích hậu cần khác nữa: đường mòn Hồ Chí Minh.

Tôi hiểu ông tự hào về danh hiệu “Napoleon đỏ” của mình, và tôi cho rằng ông sẽ tận dụng mọi cơ hội để thoả mãn trí tò mò của tôi về những chiến công của mình. Tôi muốn chúng tôi hành xử như hai sỹ quan quân đội hồi hưu hay hai cựu thù hồi tưởng về những sự kiện lịch sử mà ở đó ông từng đóng một vai trò quyết định còn tôi chỉ là một nhân vật nhỏ bé. Tuy nhiên, ông lại trả lời phần lớn các câu hỏi của tôi một cách ngắn gọn, cung cấp thêm ít ỏi thông tin ngoài những gì mà tôi đã biết, rồi phẩy tay ra dấu không quan tâm.

Giờ đây tất cả đều đã là quá khứ, ông nói. Bạn và tôi nên bàn về một tương lai mà ở đó hai nước chúng ta không phải là kẻ thù mà là bạn bè. Và chúng tôi đã làm như vậy, hai chính khách bàn về cái công chuyện quốc gia chung đã đưa tôi đến Việt Nam.

Võ Nguyên Giáp là một bậc thầy về hậu cần, nhưng danh tiếng của ông thì còn bắt nguồn từ nhiều thứ khác. Những chiến công mà ông giành được là nhờ vào một chiến lược kiên trì mà ông và Hồ Chí Minh tin chắc là sẽ thành công – một quyết tâm sắt đá là chấp nhận tổn thất khổng lồ và sự tàn phá gần như toàn bộ đất nước để đánh bại mọi kẻ thù, bất kể chúng hùng mạnh đến đâu. “Các bạn giết 10 người của chúng tôi thì chúng tôi cũng giết một người của phía bạn”, ông nói, “nhưng cuối cùng, các bạn sẽ mệt mỏi với điều đó trước chúng tôi”.

Võ Nguyên Giáp thi hành chiến lược đó với một ý chí sắt đá. Ở Điện Biên Phủ, quân Pháp đẩy lùi hết đợt tấn công vỗ mặt này đến đợt công kích trực diện khác. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một thảm hoạ về mặt quân sự mà trên thực tế đã phá tan Việt Cộng. Nhưng Võ Nguyên Giáp vẫn kiên định và chiến thắng.

Người Mỹ chưa bao giờ thua Bắc Việt trong một trận đánh nào, nhưng họ lại thua trong cuộc chiến. Các quốc gia, chứ không phải quân đội của chúng, mới là kẻ chiến thắng trong các cuộc chiến. Võ Nguyên Giáp đã hiểu điều đó, còn chúng tôi thì không. Người Mỹ tỏ ra mệt mỏi với cuộc chết chóc sớm hơn người Việt Nam. Thật khó mà bảo vệ chiến lược đó về mặt đạo lý, nhưng bạn lại không thể phủ nhận thành công của nó.

Gần cuối cuộc gặp, tôi lại thử thái độ trung thực của Võ Nguyên Giáp một lần nữa. Tôi hỏi ông là có phải ông từng phản đối việc Việt Nam xâm lược Campuchia không. Ông lại phủ nhận điều ấy, với một câu theo kiểu “các quyết định của đảng thì luôn luôn đúng”.

Câu trả lời đó đã kết thúc cuộc gặp gỡ của chúng tôi. Chúng tôi đứng dậy, bắt tay, và khi tôi định quay gót ra về thì ông nắm lấy tay tôi rồi nói nhỏ: “Các bạn là kẻ thù đáng tôn trọng.”

Tôi không biết ông muốn hàm ý điều đó như một sự so sánh với những kẻ thù khác của Việt Nam, người Tàu, người Nhật, hay người Pháp (những kẻ đã sát hại vợ ông), hay như một sự thừa nhận ngầm rằng chúng tôi đã chiến đấu cho lý tưởng chứ không phải cho một đế quốc nào và rằng chủ nghĩa nhân đạo của chúng tôi đã góp phần vào thất bại của chúng tôi. Mà có thể là ông chỉ muốn vuốt ve tôi thôi. Bất kể ông muốn hàm ý điều gì đi nữa thì tôi cũng ghi nhận tình cảm đó.

(Blog Lê Anh Hùng)

*

Bài của TNS McCain trên Wall Street Journal

Bài của TNS McCain trên Wall Street Journal

Và dưới đây là bài trên nld.com.vn

John McCain: Tôi đánh giá cao tình cảm của Tướng Giáp

Thứ Hai, 07/10/2013 23:24 (nld.com.vn)

Đó là một trong những cảm nghĩ của ông John McCain, cựu binh Mỹ ở Việt Nam, nay là Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được thể hiện trong bài viết trên báo The Wall Street Journal hôm 6-10. Báo Người Lao Động lược dịch bài viết này.

Tôi đã gặp Tướng Võ Nguyên Giáp hai lần. Lần đầu trong bệnh viện quân đội, nơi tôi được đưa vào điều trị ngay sau khi bị bắt vào năm 1967. Tôi nhớ một số cán bộ kiểm tra cấp cao cùng với lính bảo vệ và những người thẩm vấn mà tôi nhìn thấy mỗi ngày. Nhưng Tướng Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng, là người duy nhất tôi đã nhận ra. Ông ấy lưu lại chỉ chốc lát, nhìn tôi chằm chằm rồi đi ra mà không nói một lời.

Lần gặp lần thứ hai của chúng tôi là vào đầu những năm 1990. Đó là chuyến đi đến Hà Nội để thảo luận vấn đề POW/MIA (tù binh chiến tranh và lính Mỹ mất tích) và bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Tôi đã đề nghị Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch lúc đó và Thứ trưởng Lê Mai sắp xếp cho tôi một cuộc phỏng vấn nhanh vị chỉ huy huyền thoại của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ngày tiếp theo tôi được đưa vào một phòng tiếp khách lớn do người Pháp xây dựng trước đây, nơi vị tướng đang chờ. Mỉm cười, nhỏ nhẹ, đứng tuổi nhưng nhanh nhẹn trong bộ com-lê màu xám thắt cà vạt, trông ông khác hẳn một danh tướng tung hoành ngang dọc trong thời chiến.

Tướng Giáp chào hỏi tôi thân tình, ngay bên dưới bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả hai chúng tôi siết chặt vai nhau như thể chúng tôi là những người bạn gặp lại hơn là cựu thù.

Tôi hy vọng cuộc trao đổi của chúng tôi sẽ tập trung vào vai trò lịch sử của ông ấy. Tôi nhớ, sau khi từ Việt Nam trở về nước năm 1973, tôi đã đọc mọi thứ tôi có được về hai cuộc chiến của Pháp và Mỹ ở Việt Nam, bắt đầu với cuốn Hell in a Very Small Place (tạm dịch: Địa ngục ở một vùng đất nhỏ) của Bernard Fall, một công trình nghiên cứu kinh điển về cuộc vây hãm Điện Biên Phủ năm 1954, nơi quyền lực thực dân Pháp đã kết thúc và thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên trở thành hiển nhiên đối với thế giới.

Tôi muốn nghe Tướng Giáp mô tả trận đánh dài gần 2 tháng để có thể hiểu bằng cách nào lực lượng của ông đã gây sốc cho người Pháp bởi một kỳ công hầu như không thể xảy ra. Tôi đoán chừng ông ấy sẽ tạo cơ hội để tôi thỏa mãn sự tò mò về chiến thắng của ông. Tôi muốn chúng tôi cư xử như hai sĩ quan quân đội về hưu. Ngẫm lại những sự kiện lịch sử, mới thấy trong đó ông ấy đóng vai trò then chốt, còn tôi thì chỉ một vai nhỏ.

Nhưng ông đã trả lời hầu hết những câu hỏi của tôi một cách ngắn gọn, rồi khoác tay, tỏ ý không quan tâm. Ông ấy nói: Đó là tất cả chuyện quá khứ, còn bây giờ ông và tôi nên thảo luận về tương lai, nơi chúng ta không phải là kẻ thù mà là bạn. Và chúng tôi đã làm như vậy. Hai chính khách nói chuyện về quan hệ làm ăn giữa hai nước.

Sau vài câu hỏi về những vấn đề khác, chúng tôi đứng dậy, bắt tay nhau. Và khi tôi sắp bước ra thì ông nắm lấy cánh tay tôi, khẽ nói: “Ông là một kẻ thù danh dự”. Tôi không biết có phải ông muốn nói điều đó như để so sánh tôi với những kẻ thù khác của Việt Nam không. Có lẽ ông ấy chỉ muốn làm tôi vui lòng. Nhưng bất luận ý nghĩa nó là gì, tôi vẫn đánh giá cao tình cảm của ông.

Cao Tuấn

About Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú is a community college instructor and a freelance writer from San Francisco Bay Area. He worked with Peace Corps as a volunteer high school teacher in Togo, Africa and an educational consultant for United Nations High Commissioner for Refugees in Southeast Asia. Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps dạy trung học ở Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á.
This entry was posted in ở quê xưa, chính trị Mỹ, chính trị Việt and tagged , , , . Bookmark the permalink.

2 Responses to TNS McCain viết về Tướng Giáp, trong nước bỏ những chỗ “nhạy cảm”

  1. Pingback: Thứ Ba, 08-10-2013 – Minh chủ không tự nhiên sinh ra | Dahanhkhach's Blog

  2. Pingback: TRUYỀN THÔNG ĐƯA TIN NHÂN CÁI CHẾT CỦA TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP – KỲ 2 (Ba Sàm) | Ngoclinhvugia's Blog

Leave a comment