Mùa hè, thả bè trôi sông

Bùi Văn Phú

Chuẩn bị đầy bè ra sông

Chuẩn bị đầy bè ra sông

Cách San Francisco chừng một giờ lái xe, theo xa lộ 101 lên mạn bắc hoặc 80 đi về hướng đông, có hai con sông mà không hiểu vì sao và từ khi nào lại mang tên người dân của hai đất nước đã một thời coi nhau là kẻ thù không đội trời chung: Russian River và American River.

Hai giòng sông là nơi vào những ngày hè nóng bức có đông người đem xuồng, bè thả trôi theo giòng nước mát, trong xanh, mạo hiểm qua nhiều chỗ ghềnh thác, vũng nước xoáy mạnh có khi đã cuốn trôi theo cả mạng người.

Ba năm rồi chúng tôi chưa trở lại giòng sông American nên mới đây, một cuối tuần nắng nóng, mấy gia đình rủ nhau thả bè trôi sông trên tám chiếc thuyền hơi kết lại, chở tất cả 35 người, một nửa là trẻ nhỏ.

Trên sông chỉ có thuyền hơi với nhiều hình dạng như con gà, con vịt, có chiếc đơn sơ như cái phao lớn, có con thuyền là căn phòng khách trong nhà với ghế sa-lông, sàn rộng để ngồi nghỉ hay nằm chơi trên nước.

Lênh đênh trên sóng

Lênh đênh trên sóng

Đoàn quân đổ bộ lên bãi đá, chuẩn bị ăn trưa

Đoàn quân đổ bộ lên bãi đá, chuẩn bị ăn trưa

Bốn giờ đồng hồ bồng bềnh trên sông trong đoạn nước chảy êm để trẻ con tha hồ nghịch nước, bắn súng. Người lớn chỉ thong thả chèo đẩy. Chiếc bè kết có lúc qua đôi chỗ hơi gập ghềnh, nước xoáy, nhưng không nguy hiểm.

Cho đến khi gặp tàu địch, là những đám bè khác cũng đông người và sẵn sàng muốn đấu súng.

Suốt chuyến đi trên sông, đã mấy lần có chiến tranh. Khi lâm trận, trẻ con liên tục bơm, bắn nước về phía tàu địch, trong khi người lớn xoay, đẩy mái chèo để có thế thượng phong. Đám trẻ hăng say chiến đấu. Người lớn thi nhau hò hét cổ vũ. Mỗi trận hải chiến kéo dài chừng dăm mười phút rồi ngưng. Ta và địch sau đó cùng cám ơn nhau đã chiến đấu hết mình để mọi người được ướt cho mát làn da.

Nhìn súng nước phun qua phun lại, người lớn nhắc nhau về trận chiến vòi rồng đang diễn ra trên biển Đông giữa tàu của Trung Quốc và của Việt Nam. Quê nhà như hiện ra trước mắt với giòng Đồng Nai, với sông Hậu, sông Tiền. Ký ức quanh quẩn hiện về. Vượt biên. Mua bãi. Căn me. Hải tặc.

Một trận hải chiến thật sôi động bằng súng nước

Một trận hải chiến thật sôi động bằng súng nước

Khi chuẩn bị đưa bè xuống nước, tôi nhận ra ven sông có rau răm mọc nhiều. Ngắt một lá ngửi, không còn thấy hương vị thơm của loại rau mà người Việt thường ăn với gỏi, cháo gà, với cá kho và đặc biệt là không thể thiếu với món trứng vịt lộn. Chắc vì rau sống trong môi trường ngập nước, thay vì trên đất khô, nên hương vị đã bị loãng hết.

Ba năm trước chúng tôi cũng xuống thuyền ở chỗ này và không có rau răm mọc.

Đẩy bè ra sông. Hai giờ sau, ghé vào một bãi đá để nghỉ và ăn trưa cũng thấy ở ven sông nhiều răm mọc là đà trên mặt nước.

Những hàng rau răm này, chắc sinh sôi nảy nở từ vài cọng được một người Việt nào đó vất xuống sau bữa nhậu vịt lộn trong một chuyến đi chơi trên sông?

Nhìn rau răm mọc, một bạn gợi ý nếu hôm nay thả vài cái lục bình, vài năm sau chắc nơi đây sẽ thành giòng Đồng Nai.

(ảnh trong bài của tác giả)

© 2014 Buivanphu

Mùa hè, thả bè trôi sông * Nhìn rau răm mọc, một bạn gợi ý nếu hôm nay thả vài cái lục bình, vài năm sau chắc nơi đây sẽ thành giòng Đồng Nai.

About Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú is a community college instructor and a freelance writer from San Francisco Bay Area. He worked with Peace Corps as a volunteer high school teacher in Togo, Africa and an educational consultant for United Nations High Commissioner for Refugees in Southeast Asia. Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps dạy trung học ở Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á.
This entry was posted in tản văn, văn hóa du lịch, đời sống and tagged , , , . Bookmark the permalink.

3 Responses to Mùa hè, thả bè trôi sông

  1. Pingback: Tin thứ Hai, 16-06-2014 « BA SÀM

  2. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Hai, 16-06-2014 | doithoaionline

  3. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ HAI 16-6-2014 | Ngoclinhvugia's Blog

Leave a comment