Vì sao Trung Quốc muốn kiểm soát biển Đông

Bùi Văn Phú

Người Việt hải ngoại phản đối Trung Quốc bành trướng

Người Việt hải ngoại phản đối Trung Quốc bành trướng

Tối thứ Sáu 18/7, cộng đoàn công giáo St. Anthony ở Oakland đã có buổi thắp nến cầu nguyện cho quê hương Việt Nam. Dịp này ban tổ chức mời tôi chia sẻ suy nghĩ về tình hình biển Đông qua vụ việc giàn khoan Hải Dương, HD-981.

*

Trong những năm qua, Bắc Kinh đã có nhiều động thái hung hăng như ngăn cản hay tấn công tầu dò kiếm dầu hỏa, tầu kiểm ngư và tầu đánh cá của người Việt hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Những lý do Trung Quốc muốn kiểm soát biển Đông có thể tóm lược như sau:

1/ Đó là khu vực chiến lược, là cửa ngõ nhìn ra Thái Bình Dương của Trung Quốc, nhưng bị bao bọc bởi Nam Hàn, Nhật Bản ở phía bắc. Xuống phía nam gần nhất là Việt Nam, Philippines; xa hơn là Malaysia, Brunei, Indonesia.

Trong vòng một thập niên qua Trung Quốc đưa ra đường lưỡi bò để khoanh vùng chủ quyền chiếm gần hết biển Đông, từ đảo Hải Nam xuống gần eo biển Malacca.

Năm 1974 Trung Quốc đã dùng biện pháp quân sự để chiếm quần đảo Hoàng Sa và năm 1988 tiến sâu xuống phía nam chiếm một số đảo của Trường Sa. Khu vực Trường Sa có tất cả 250 đảo và bãi đá, cát ngầm thì Việt Nam kiểm soát 29, Trung Quốc 8, Philippines 8, Malaysia 5, Brunei 2 và Đài Loan 1.

Từ việc xâm chiếm Hoàng Sa và Gạc Ma của Việt Nam bằng biện pháp quân sự, Bắc Kinh đã cho thế giới thấy họ muốn có những hải đảo trong biển Đông là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Trung Quốc khoanh đường lưỡi bò trên biển Đông

Trung Quốc khoanh đường lưỡi bò trên biển Đông

2/ Biển Đông là nơi có lượng dự trữ dầu hỏa lớn. Các nước bao quanh đều là những quốc gia sản xuất dầu hỏa như Việt Nam, Indonesia, Brunei, Malaysia.

Theo số liệu của U.S. Energy Information Administration (www.eia.doe.gov), tức Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, từ sau năm 1993 mức tiêu thụ dầu hoả của Trung Quốc đã lên cao hơn mức sản xuất và từ đó đến nay chênh lệch này ngày một tăng.

Năm 2006 Trung Quốc sản xuất trung bình 3 triệu 800 nghìn thùng dầu mỗi ngày, trong khi nhu cầu tiêu thụ lên đến 7 triệu 400 nghìn thùng, gần gấp đôi mức sản xuất.

Năm 2011 mức tiêu thụ dầu nhập cảng của Trung Quốc là 5.5 triệu thùng một ngày, so với Hoa Kỳ là 6.7 triệu và Nhật 5.3 triệu.

Theo con số ước lượng Trung Quốc đưa ra, biển Đông có số dầu dự trữ 213 tỉ thùng. Còn E.I.A của Hoa Kỳ đưa ra con số 28 tỉ thùng. Cũng theo số liệu của Bắc Kinh, riêng vùng Hoàng Sa Trường Sa có lượng dự trữ lên đến 105 tỉ thùng.

Là quốc gia có dân số 1 tỉ 300 triệu người, với tầng lớp trung lưu ngày một đông sẽ cần ô-tô con để di chuyển. Từ năm 2000 đến năm 2020 số người sử dụng ô-tô tại Trung Quốc sẽ tăng từ 5 trong số 1000 người lên 52, tức là gấp hơn 10 lần nên Trung Quốc sẽ cần nhiều xăng dầu.

3/ Biển Đông là vùng hải sản phong phú. Ngư dân Trung Quốc, Philippines và Việt Nam đều đưa tàu ra đánh cá trong vùng biển này. Những năm qua, nhiều tàu của ngư dân Việt đã bị tàu Trung Quốc tấn công, đuổi ra khỏi vùng đánh cá quanh Hoàng Sa. Trung Quốc có những con tàu lớn là nhà máy sản xuất và chế biến hải sản ngay trên biển. Những xung đột trên biển cho thấy Bắc Kinh muốn xác nhận chủ quyền lãnh hải của họ trên biển Đông để khai thác ngư nghiệp.

4/ Biển Đông cũng là đường hàng hải quan trọng cho giao thương quốc tế với 5,300 tỉ tấn hàng hoá vận chuyển qua đây mỗi năm.

Người Việt vùng Vịnh San Francisco biểu tình trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc

Người Việt vùng Vịnh San Francisco biểu tình trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc

Vụ việc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc khu kinh tế của Việt Nam gần Hoàng Sa cho thấy ý đồ bành trướng của Bắc Kinh.

Sau 30 năm phát triển kinh tế, Trung Quốc muốn trở thành siêu cường khu vực và của thế giới nên đang vươn ra để kiểm soát biển trước, sau đó đến không gian khu vực. Các động thái của Bắc Kinh trong những năm qua là phép thử để xem Nhật, Nam Hàn, Việt Nam, Philippines và đặc biệt là Hoa Kỳ sẽ phản ứng ra sao.

Những toan tính bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông đã khiến Tổng thống Barack Obama tuyên bố vùng biển đó là “quyền lợi quốc gia” của Hoa Kỳ và năm 2010 đã đưa ra chính sách xoay trục, chú trọng hơn đến Đông nam Á.

Ngày 2/5, khi kéo giàn khoan HD-981 vào vùng biển gần Hoàng Sa, công ty khai thác dầu khí của Trung Quốc loan báo việc thăm dò dự định kéo dài đến trung tuần tháng 8, 2014. Nhưng hôm 15/7 họ đã kéo giàn khoan ra khỏi vùng tranh chấp và đưa về gần đảo Hải Nam, vì lo sợ bão lớn.

Vụ việc giàn khoan HD-981 là hành động mang tính khiêu khích nhất của Bắc Kinh đối với sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam.

Tuy để cho người dân ở nhiều nơi xuống đường phản đối Trung Quốc trong một cuối tuần đầu tháng Năm, nhưng lãnh đạo Việt Nam đã không có những động thái phản đối mãnh liệt. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không phát biểu gì về giàn khoan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ tuyên bố sẽ đưa vụ việc ra một tòa án quốc tế vào thời điểm thích hợp dù nhiều người trong ngoài nước đã đề nghị nên kiện Trung Quốc và một thăm dò trên báo điện tử VNExpress có hơn 200 nghìn ý kiến thì 96% ủng hộ việc kiện. Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh lại coi sự kiện HD-981 như mâu thuẫn trong gia đình. Còn quốc hội Việt Nam cũng không ra nghị quyết phản đối Trung Quốc.

Trong khi đó Hoa Kỳ dù đã nhiều lần tuyên bố không đứng về phía nào trong các tranh chấp ở biển Đông, nhưng ngày 10/7 Thượng Viện Mỹ đã ra một nghị quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan HD-981 và trả lại nguyên trạng trước đó cho khu vực đang tranh chấp.

Ít ngày sau, hôm 15/7 Trung Quốc quyết định di chuyển giàn khoan về khu vực gần đảo Hải Nam, sớm hơn dự định một tháng. Lý do đưa ra là để tránh bão.

Những phản ứng của chính phủ Mỹ cho thấy Hoa Kỳ không chấp nhận việc Trung Quốc mở rộng vùng kiểm soát trên biển Đông. Chính sách xoay trục do Tổng thống Barack Obama đề xuất nằm trong chiến lược này.

Nếu nhìn xuyên Thái Bình Dương từ California qua Đông Á, Mỹ có những căn cứ quân sự trải dài từ Hawaii, Wake, Guam đến Nhật và Nam Hàn trong vùng Đông bắc Á.

Tại Đông nam Á, trước đây Hoa Kỳ có căn cứ Cam Ranh ở Việt Nam và Subic Bay ở Philippines. Sau tháng Tư 1975, Mỹ không còn ở Cam Ranh và đến đầu thập niên 1990 cũng đã rút khỏi Subic Bay.

Nhận ra sự thiếu vắng ảnh hưởng và quan tâm của Mỹ từ khi rút lui khỏi Việt Nam, Trung Quốc bắt đầu bành trướng kiểm soát khu vực biển Đông trong những năm qua nên Hoa Kỳ phải định hướng lại chính sách để kiềm chế Bắc Kinh.

Với những tranh chấp, Việt Nam và Philippines bị ảnh hưởng nặng nhất trong số các nước ASEAN. Xung đột thường xuyên xảy ra giữa Trung Quốc với Việt Nam, với Philippines và Bắc Kinh đã dùng các biện pháp kinh tế để trừng phạt, như không nhập hàng, ngưng các dự án đầu tư hay kêu gọi dân Trung Quốc không du lịch.

Philippines dù sao cũng là một đồng minh của Hoa Kỳ. Còn Việt Nam đến nay mới chỉ là đối tác toàn diện, phần lớn là thương mại, kinh tế, chưa thành đối tác chiến lược, vì thế Trung Quốc đã có những hành động đe dọa Việt Nam nhiều nhất. Trong khi giới lãnh đạo Hà Nội sợ nếu làm mất lòng Trung Quốc sẽ bị Bắc Kinh vả, nói theo tiếng người miền Nam là bị tát tai.

Chính vì thế mà Việt Nam đã phản ứng rất yếu qua vụ việc HD-981. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sau khi có cuộc điện đàm với Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh vào trung tuần tháng 5 và đã mời đối tác Việt Nam sang Hoa Kỳ thảo luận, nhưng nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam đã không được Bộ Chính trị cho phép đi Mỹ.

Đêm thắp nến cầu nguyện cho quê hương tại giáo xứ St Anthony, Oakland

Đêm thắp nến cầu nguyện cho quê hương tại giáo xứ St Anthony, Oakland

Trước các sự kiện xâm lấn biển của Trung Quốc, người Việt hải ngoại có thể làm được những gì? Sau đây là một vài đề nghị.

1/ Tham gia các cuộc vận động cho dân chủ cho Việt Nam bằng cách ký tên vào các kiến nghị, thỉnh nguyện thư gửi chính phủ Mỹ yêu cầu can thiệp cho những người dân trong nước vì lên tiếng phản đối Trung Quốc, đòi nhân quyền mà bị cầm tù, như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, luật sư Lê Quốc Quân, Tạ Phong Tần.

2/ Tham gia các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh bành trướng xâm lăng, cùng phản đối chính sách “hèn với giặc, ác với dân” của lãnh đạo Hà Nội.

Vì chúng ta không thể im tiếng. Như những lời ca yêu nước thời đại đang vang vang trong các cuộc xuống đường ở hải ngoại và cũng được ca đoàn cất tiếng trong buổi thắp nến cầu nguyện:

Trường Sa là máu của ta
Hoàng Sa là thịt của ta
Đất nước ta là xương là máu ông cha để lại
Quân bành trướng đừng mong xâm lấn
Kia còn bao mồ chôn quân Tống
Hỏi quân thù còn nhớ hay không?

Việt Nam nòi giống Lạc Long
Cùng nhau thề nguyền đồng tâm
Quyết đứng lên dựng xây tổ quốc thân yêu trường tồn
Không để đất vào tay quân cướp
Dân tộc ta vùng lên anh dũng
Sống oai hùng sống kiên cường đòi lại biển Đông

Đừng im tiếng mà phải lên tiếng
Khi quân thù vào cướp quê hương
Đoàn kết lại tiêu diệt bá quyền thâm độc vô biên
Đừng im tiếng mà phải lên tiếng
Khi quân thù giết hại dân ta
Dòng máu Việt đã đổ chan hoà trên biển nước ta

Đừng im tiếng mà phải lên tiếng
Đừng im tiếng mà phải lên tiếng

3/ Với cộng đoàn công giáo hải ngoại, tổ chức những buổi cầu nguyện để hiệp thông với giáo hội quê nhà, cho Việt Nam sớm có tự do, dân chủ. Như Thánh Thomas Aquinas đã dạy các tín hữu qua lời cầu nguyện khi trong đời gặp những khó khăn, thử thách: “Người thông thái hãy chỉ bảo cho chúng tôi. Người khôn ngoan hãy lãnh đạo chúng tôi. Người đạo đức hãy cầu nguyện cho chúng tôi”.

(ảnh trong bài của tác giả)

© 2014 Buivanphu

Vì sao Trung Quốc muốn kiểm soát biển Đông * Sau 30 năm phát triển kinh tế, Trung Quốc muốn trở thành siêu cường khu vực và của thế giới nên đang vươn ra để kiểm soát biển trước, sau đó đến không gian khu vực. Các động thái của Bắc Kinh trong những năm qua là phép thử để xem Nhật, Nam Hàn, Việt Nam, Philippines và đặc biệt là Hoa Kỳ sẽ phản ứng ra sao.

About Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú is a community college instructor and a freelance writer from San Francisco Bay Area. He worked with Peace Corps as a volunteer high school teacher in Togo, Africa and an educational consultant for United Nations High Commissioner for Refugees in Southeast Asia. Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps dạy trung học ở Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á.
This entry was posted in ở quê xưa, người Việt hải ngoại and tagged , , , . Bookmark the permalink.

3 Responses to Vì sao Trung Quốc muốn kiểm soát biển Đông

  1. Pingback: Tin thứ Năm, 31-07-2014 « BA SÀM

  2. Pingback: Anhbasam Tin thứ Năm, 31-07-2014 | doithoaionline

  3. 10 năm sau khi nhà Minh chiếm Đại Việt, Lê Lợi khởi nghĩa. Sau khi Tàu Đỏ xâm chiếm VN và đánh gục Vẹm sẽ là lúc về giành lại chủ quyền đất nước.

    Bây giờ là lúc cảnh giác đám nằm vùng do Vẹm đưa ra và Mỹ đem vào nhằm lũng đoạn hàng ngũ không cộng sản.

Leave a comment