Cảm xúc ghi vội ở châu Âu

Bùi Văn Phú

Venice: thành phố quá lãng mạn

Venice: thành phố quá lãng mạn

– Anh chị mới đi châu Âu về?

– Chị đi công tác. Anh đi theo chơi luôn thể.

– Bên đó móc túi ghê lắm, phải không?

– Anh chị có nghe nói nên cũng cảnh giác. Lúc ở métro bên Paris có đứa tính móc túi đeo của anh, chị nhìn thấy, nhắc anh thế là nó bỏ đi. Qua Roma đi métro giờ cao điểm cũng có đứa tính mở túi. Anh chị đã đề phòng trước nên tiền bạc, hộ chiếu cất kĩ. Túi đeo chỉ có máy hình, quyển sách hướng dẫn du lịch và hai chai nước.

– Nghe nói dân Pháp không thích dân Mỹ?

– Anh cũng nghe điều này lâu rồi. Anh có kinh nghiệm là nếu nói tiếng Anh thì họ có thái độ không hiếu khách, ngay cả ở những trung tâm du lịch. Hồi năm 1985 anh qua đó, ở ga quốc tế Gare du Nord, anh hỏi người làm việc tại quầy thông tin và không được đáp ứng nhiệt tình lắm. Lần này anh chị gặp những người Pháp niềm nở chỉ đường, chỉ lối cho mình đi tầu hoả đúng hướng. Hôm anh chị đón tầu đi Versailles, có một bà đầm rất nhiệt tình. Nhiều khi họ tưởng mình là du khách Nhật hay Trung Quốc. Nếu biết mình từ Mỹ, nói tiếng Anh nữa thì không biết họ đối xử có khác không.

Ấn tượng không đẹp về châu Âu của một người bạn có lẽ cũng là ấn tượng của nhiều người Việt. Châu Âu chẳng có gì hấp dẫn chăng?

*

Đại lộ Champs Élysées và Khải Hoàn Môn

Paris: Đại lộ Champs Élysées và Khải Hoàn Môn

Năm 1985 tôi đến châu Âu lần đầu tiên, rong chơi như tây ba-lô hơn một tháng. Từ châu Phi tôi đặt chân đến Ý, bay lên Anh, sang Pháp rồi dùng vé tầu Eurail Pass đi ngang dọc nhiều nước: Đức, Áo, Hà Lan, Thụy Sĩ, Hungary.

Lần này tôi trở lại châu Âu cùng nhà tôi tham quan ba nước Hà Lan, Pháp và Ý trong hai tuần lễ.

Hai mươi mốt năm, trở lại thủ đô của những quốc gia này tôi thấy không có thay đổi, có thể nói là không có gì khác về kiến trúc ngoại hình. Không như những quốc gia Đông Nam Á hay Việt Nam trong hai thập niên qua thay đổi quá nhanh khiến nhiều du khách Việt kiều dễ dàng lạc lối. Châu Âu có chính sách bảo tồn di tích lịch sử từ mấy thế kỷ nay nên Amsterdam, Paris, Roma hay Venice vẫn cổ xưa.

Hà Lan: xứ của xe đạp và những con kênh

Hà Lan: xứ của xe đạp và kênh đào

Đến Amsterdam vào một buổi sáng đẹp trời, hơi lạnh với không khí cuối tháng 11, điều đầu tiên đập vào mắt tôi là sân bay quốc tế Schiphol vẫn có chỗ dành cho người hút thuốc lá, dưới những mái hình chòi.

Phi trường được nối đến trung tâm thủ đô và những thành phố khác bằng đường xe hoả, một đặc điểm của nhiều sân bay châu Âu.

Không như chuyến đi hơn hai mươi năm về trước, nơi tôi đến không được định trước. Đi đến đâu, ở chơi vài hôm, tùy thích rồi lên tầu đến một nơi khác. Chuyến đi này chúng tôi lên thời biểu sẵn từ lúc ở Hoa Kỳ. Vào mạng travelocity.com mua vé tầu hoả, chọn khách sạn với ngày giờ đi và đến từng nơi rõ ràng.

Ở Hà Lan chúng tôi thích nhất những giây phút ngồi trong quán ăn hay quán cà-phê nhìn ngắm bên đường. Giờ chiều phố phường của xứ hoa tu-líp, quê hương của Van Gogh, Rembrandt là những dòng xe đạp qua lại. Đời sống người dân Hà Lan bên chiếc xe đạp cho tôi cái cảm tưởng như họ thư thả trên yên xe, chứ không phải là điều cực nhọc của những vòng đạp, một phần cũng vì đất nước Hà Lan rất phẳng. Nơi đây cũng có ô-tô, nhưng hình ảnh xe đạp và những chuyến đò máy chầm chậm, êm đềm trong những con kênh cho chúng tôi cảm giác nhẹ nhàng của cuộc sống, nhìn đời trong khoảnh khắc thư giãn của mình.

Amsterdam có đường gạch, nhiều cây cầu nhỏ bắc ngang những con kênh. Đi qua “khu đèn đỏ” với những cô gái khoe mình sau lớp kính, tôi giải thích cho nhà tôi biết ở đây mại dâm là một nghề được chính phủ công nhận.

Đến căn nhà bảo tàng nơi cô thiếu nữ Anne Frank đã ghi lại nhật kí đời mình trong những ngày ẩn náu sự chết, nhưng rồi cũng không thoát khỏi, như số phận của mấy triệu người Do Thái khác. Di sản của cô để lại ngày nay đã trở thành một áng văn cổ điển. Chỗ đến cuối cùng trong bảo tàng là nơi trưng bày những bản dịch quyển nhật kí. Tôi đếm có tất cả 56 ngôn ngữ, nhưng thiếu bản tiếng Việt.

*

Từ Amsterdam qua Paris tốn 5 giờ tầu lửa. Ra khỏi thành phố là đồng xanh. Thỉnh thoảng tầu chạy ngang một thị trấn nhỏ, từ tầm xa đã thấy thấp thoáng tháp chuông thánh đường hiện ở chân trời. Cảnh từ Pháp qua Ý cũng thế, nó làm tôi liên tưởng đến quê nhà ở những nơi có đông người công giáo sinh sống như Dốc Mơ, Gia Kiệm hay vùng Nam Định, Thái Bình. Xe chạy trên quốc lộ, hai bên là ruộng đồng, ngăn chia bởi những con đê, xa xa khi bóng nhà cửa hiện lên thì cao nhất là tháp chuông giáo đường, còn nét phong sương cổ điển là do những cố đạo dựng nên ngày xưa hay kiến trúc tân thời là mới xây dựng lên hay được tu bổ lại với nhiều đóng góp của tín đồ hải ngoại.

Mùa thu bên Tháp Eiffel

Mùa thu bên Tháp Eiffel

Paris thơ mộng. Mãi mãi thơ mộng và đẹp vì tôi đã bị quyến rũ bởi những bài học, bài hát, bài thơ của Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy, của J. J. Rousseau, Dumas, Montesquieu, Nhà thờ Đức Bà, giòng sông Seine, tháp Eiffel, tranh Monet, Renoir, Cézanne, những quán cà-phê. Không khí của Paris là không khí của trí thức, nghệ thuật và tranh luận. Đến Paris vào Bảo tàng Lourve và d’Orsay nhìn ngắm, ra quán cà-phê bên bờ sông Seine nghe ngóng là đã học được nhiều điều. Những con đường, góc phố với rất nhiều di tích, tượng hình để lại cũng là lịch sử, nghệ thuật.

Một buổi tối, đang lang thang và cũng đói bụng chúng tôi gặp một quán Việt, bình dân thôi, gần Gare Bercy và vào đó ăn chả giò, phở. Đắt. Không ngon bằng ở Mỹ.

Có mấy ông tây bà đầm vừa ăn vừa bàn chuyện bầu cử tổng thống Pháp mà đảng xã hội vừa đề cử một nữ ứng viên. Tương lai nước Pháp có thể có nữ tổng thống và họ bàn luận rất nhiệt tình. Chị chủ tiệm người gốc miền nam sống ở đây hơn hai mươi năm nói rằng đa số người Pháp thích trò chuyện lắm. Khách đến ăn là tíu tít bàn luận.

Chúng tôi hỏi thăm chị, trao đổi đôi điều về đời sống. Chị chưa có dịp qua Mỹ, chỉ nghe nói bên đó người Việt làm nghề móng tay là hốt bạc mà ở Pháp thì nghề này không được chuộng. Chị kể bên Pháp mở cửa hàng ăn bị đánh thuế nhiều, gia đình cùng làm thì cũng sống được chứ không giầu. Và rồi như nhiều người Việt, chị than thở chuyện gửi tiền về cho gia đình là một gánh nặng mà bên nhà không hiểu. Hỏi về các món nhậu, chị nói không thiếu, ngay cả muốn thịt chó cũng có, nhờ người đem qua bằng đường Hàng không Việt Nam. Muốn nhậu. Gọi báo, sau chừng mười giờ bay là thịt chó Sài Gòn có trên bàn nhậu của dân Paris.

Hình ảnh Việt Nam đập vào mắt người Pháp lúc chúng tôi ở Paris là thông tin về Hội nghị APEC đang diễn ra tại Hà Nội được báo chí tường thuật. Mười mấy lãnh đạo các nước mặc áo gấm Việt Nam, nhưng không đội khăn đóng, trong đó có Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Mỹ George W. Bush là một nét lạ. Dân Paris hiện cũng đang thấy cảnh Vịnh Hạ Long trên những pa-nô quảng cáo du lịch dựng trong ga tầu.

*

Quảng trường Thánh Phêrô, Roma

Vatican: Quảng trường Thánh Phêrô

Rời Paris vào một tối trời mưa. Sau một đêm ngủ trên tầu chúng tôi đến Roma vào buổi sáng.

Hai mươi năm trước Roma chưa có tầu điện ngầm. Nay đã có nhưng chỉ vài tuyến đường, không chằng chịt như Paris.

Chúng tôi đi thăm Đền thánh Phêrô, thăm mộ Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, triều kiến Giáo hoàng Bênidictô XVI trong dịp Ngài ban phép lành hàng tuần. Dưới bầu trời mưa nhưng mấy chục nghìn du khách không quản ngại. Chúng tôi gặp ông bà Vũ Bình Nghi, chủ nhiệm Thời Báo, và cậu con trai đi cùng đoàn hành hương từ San Jose. Không hẹn mà gặp nhau. Tay bắt, mặt mừng. Cầu xin những điều may lành. Đúng là “đường nào cũng đến La Mã”.

Nếu Pháp là kinh đô hội hoạ thì Roma là thủ đô kiến trúc với nhiều đền thờ cổ. Roma cũng có Bảo tàng Vatican là một kho tàng hội hoạ tôn giáo. Tiếc là khi vào đến Điện Sistine thì tối mờ nên khách tham quan không thể thưởng thức trọn vẹn vẻ tuyệt tác của Leonard da Vinci, của Michel Angelo trên tường và trần nhà.

Venice là một công trình kiến trúc kì lạ. Nhà nhiều tầng xây trên nước, sắc mầu tươi. Du khách di chuyển qua những con kênh lớn nhỏ bằng gondola là con đò mang dấu ấn của thành phố biển thường bị ngập nước này.

Europe2006_Venice_Gondola_Blog

Xin làm con đò chở nhân gian qua...

Những chuyến đò chở tình nhân trên sóng nước, văng vẳng bên tai điệu nhạc Ý cao vút, lãng mạn. Với tôi còn mơ hồ kí ức ca từ trong “Tịnh tâm khúc” của Hoàng Quốc Bảo:

Xin làm con đò chở nhân gian qua
Bờ bến trăm năm, thân chú mịt mù…

Thành phố quá lãng mạn. Những người yêu nhau đến Venice đều mong có ngày trở lại. Như chúng tôi.

[ảnh trong bài của tác giả]

___

© 2007 Buivanphu

[Bài đã đăng trên Viet Tribune (San Jose, CA) 28.07.2007]

About Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú is a community college instructor and a freelance writer from San Francisco Bay Area. He worked with Peace Corps as a volunteer high school teacher in Togo, Africa and an educational consultant for United Nations High Commissioner for Refugees in Southeast Asia. Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps dạy trung học ở Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á.
This entry was posted in văn hóa du lịch and tagged , , , . Bookmark the permalink.

2 Responses to Cảm xúc ghi vội ở châu Âu

  1. Pingback: Điểm tin Thứ Năm 27.10.2011 « TIN TỨC HÀNG NGÀY – Online

  2. Pingback: TIN TỨC HÀNG NGÀY ONLINE : ĐIỂM TIN THỨ NĂM 27-10-2011 « Ngoclinhvugia's Blog

Leave a comment