Chuyện Little Saigon, San Jose: hồi kết và hậu chuyện

Bùi Văn Phú

Trên 5 nghìn người biểu tình trước Toà Thị chính ngày 02.03.2008

Cử tri Khu vực 7 của Thành phố San Jose đã bỏ phiếu quyết định không bãi nhiệm Nghị viên Madison Nguyễn trong một cuộc bầu cử đặc biệt được tổ chức vào ngày 03.03 vừa qua. Số phiếu ủng hộ cô Madison chiếm 55%, chống đối 45%.

Sự việc dẫn đến cuộc bầu cử bãi nhiệm này là một tiến trình dài bắt nguồn từ việc chọn đặt tên cho một khu thương mại để vinh danh những đóng góp của người Việt ở San Jose từ hơn 30 năm qua.

Nghị viên Madison Nguyễn, dân cử gốc Việt duy nhất trong hội đồng thành phố, đề nghị tên cho khu phố trên đường Story Road khúc từ đường McLaughlin đến Senter là Saigon Business District và được hội đồng thành phố chấp thuận trong phiên họp sôi nổi tối 20.11.2007, bất kể sự có mặt của hơn một nghìn người Việt tham dự và trong 300 ý kiến phát biểu, 90% muốn có tên Little Saigon.

Kết quả bầu cử bãi nhiệm: NO 55% - YES 45%. Nghị viên Madison Nguyễn sẽ tiếp tục là đại diện dân cử của Khu vực 7 trong Hội đồng Thành phố San Jose.

Việc bãi nhiệm được khởi xướng từ sau phiên họp này. Chuyện đặt tên đã gây sóng gió chính trị khiến Nghị viên Madison và Thị trưởng Chuck Reed ít xuất hiện hơn trong cộng đồng Việt trong hơn năm qua. Nhiều người bày tỏ bất mãn nhắm vào Nghị viên Madison vì họ cho rằng cô đã không phản ánh nguyện vọng người Việt trong Khu vực 7, nơi có 97 nghìn cư dân với chừng một phần ba là gốc Việt.

Đã có nhiều cuộc biểu tình trước toà thị chính, lúc đông lên đến trên 5 nghìn người. Cùng lúc cũng đã có người tuyệt thực để phản đối thành phố. Nghị viên Madison bị cáo buộc không đứng về phiá dân mà lại chọn tên phố theo đề nghị của một thương gia gốc Việt-Hoa đang bỏ tiền xây dựng một khu thương mại trên đoạn đường được đặt tên, nguyên thuỷ có tên là Vietnam Town Business District mà cô Madison đã đưa vào nghị trình thảo luận của thành phố từ giữa năm 2007 trong khi thiếu sự tham khảo rộng lớn với cộng đồng người Việt.

Sau khi tham khảo và ghi nhận thêm ý kiến, Nghị viên Madison chọn tên Saigon Business District mà theo cô là một sự dung hoà của nhiều tên khác được đề nghị, dù thăm dò chính thức của cơ quan phát triển thành phố cho thấy trong số những danh xưng được đề nghị thì Saigon Business District đứng chót, trong khi Little Saigon được ủng hộ nhiều nhất.

Đầu năm 2008 tranh luận giữa hai bên bênh và chống Little Saigon bùng nổ lớn khiến San Jose rơi vào cơn khủng hoảng chính trị. Đến đầu tháng 03.2008 thành phố quyết định huỷ bỏ tất cả những quyết định đã có về việc đặt tên khu phố thương mại Việt Nam.

Nhưng nhiều người vẫn tiếp tục đòi hỏi có phố Little Saigon ở San Jose như nhiều nơi khác, từ Quận Cam lên đến San Francisco đã được chính quyền công nhận, cấp ngân quỹ xây dựng và phát triển.

Phướn quảng bá Little Saigon treo dọc theo đường Story Road

Cuối cùng ngày 13.03 thành phố đã chấp nhận chọn danh xưng Little Saigon, cho phép xây dựng cổng chào, treo phướn dọc hai bên đường tạm thời trong ba năm, nhưng ngân quỹ do cộng đồng người Việt và tư nhân đóng góp. Trong thời gian đó thành phố sẽ ban hành chính sách, luật lệ để chính thức công nhận Little Saigon.

Nhưng quyết định tạm thời đó không làm thoả mãn những người muốn có tên Little Saigon. Ủy ban bãi nhiệm đã xin đủ chữ kí theo luật định, ít nhất 12% số cử tri của Khu vực 7 đăng kí bầu cử, để yêu cầu thành phố tổ chức bầu cử.

Trong cuộc vận động bênh và chống bãi nhiệm, Nghị viên Madison có sự ủng hộ của hai dân biểu liên bang, các nghị viên và thị trưởng San Jose, hiệp hội cảnh sát, nghiệp đoàn lao động. Phiá ủng hộ bãi nhiệm tuy không được nhiều dân cử hỗ trợ, nhưng với 5 nghìn chữ kí yêu cầu bãi nhiệm đã thu được, ủy ban tin là họ có sự ủng hộ của quần chúng.

Trong vụ việc này truyền thông Việt ngữ cũng chia làm hai phiá, bên bênh và bên chống. Riêng tờ San Jose Mercury News qua nhiều bài xã luận đều không tán đồng việc truất nhiệm Nghị viên Madison Nguyễn.

Cuộc vận động đã diễn ra sôi nổi, đủ các thông tin bôi xấu nhau được loan truyền như trong bất kì cuộc tranh cử nào ở Mỹ. Với mạng lưới thông tin điện tử toàn cầu, nhiều tin tức lẫn tin đồn được thổi phồng lên để bảo vệ hay tấn công nhau.

Cuối cùng thì lá phiếu của cử tri Khu vực 7 là tiếng nói quyết định sau cùng. Nghị viên Madison Nguyễn sẽ tiếp tục công việc dân cử cho đến sang năm, khi hết nhiệm kì và nếu muốn tiếp tục phục vụ dân cô sẽ phải tái tranh cử.

Cuộc bầu cử bãi nhiệm vừa qua là một vết thương cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở San Jose, nhưng đó cũng là một dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành của người Mỹ gốc Việt trong sinh hoạt chính trị dòng chính.

Những con số về bầu cử bãi nhiệm cũng cho thấy cử tri quan tâm. Đã có 13 nghìn phiếu bầu trong số 31 nghìn cử tri đã đăng kí, tức 42%. Đây là tỉ lệ cử tri tham gia bầu cử cao so với những kì bầu cử đặc biệt khác chỉ trên dưới 30%. Điều này chứng tỏ sự việc đặt tên cho phố Việt rất được chú ý, dù cử tri đứng về phiá nào.

Bỉnh bút Scott Herhold của báo San Jose Mercury News, một người không ủng hộ việc bãi nhiệm, trong bài bình luận về kết quả đã khen Nghị viên Madison có khả năng vận động để chiến thắng, nhưng ông cũng cho rằng trong vụ việc này lỗi một phần cũng là do cô đã không hiểu đúng những cảm xúc gắn liền với tên Little Saigon của nhiều cử tri gốc Việt mà còn ngoan cố chống lại.

Bây giờ thì ý dân đã quyết định. Nghị viên Madison sẽ tiếp tục làm đại diện dân cử trong hội đồng thành phố cho đến sang năm. Nhưng chuyện khu phố Little Saigon rồi sẽ đi về đâu và vết thương Little Saigon có được hàn gắn và chóng lành để cộng đồng mạnh tiến hay không?

Mười tám lá phướn quảng bá Little Saigon đã được thành phố treo lên dọc bên đường Story Road từ tháng 10.2008. Nhưng bao giờ sẽ xây dựng cổng chào và tên Little Saigon có trở thành vĩnh viễn hay không thì phải chờ xem. Trong số người ủng hộ Nghị viên Madison có những đại gia đang đầu tư ở hai bên bờ Thái Bình dương. Với quan hệ thương mại Hoa Kỳ và Việt Nam ngày càng phát triển, những công ti trong nước rồi sẽ mở văn phòng đại diện tại những nơi có đông người Việt sinh sống. Khi đó họ sẽ muốn treo cờ cộng sản Việt Nam.

Như ở phố Tầu San Francisco hay Oakland ngày nay có những cơ sở thương mại, tài chính đã kéo cờ Trung Quốc lên. Bên cạnh cờ Đài Loan.

(ảnh trong bài của tác giả)

© Buivanphu 03.2009

About Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú is a community college instructor and a freelance writer from San Francisco Bay Area. He worked with Peace Corps as a volunteer high school teacher in Togo, Africa and an educational consultant for United Nations High Commissioner for Refugees in Southeast Asia. Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps dạy trung học ở Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á.
This entry was posted in cộng đồng, chính trị Mỹ and tagged , , , . Bookmark the permalink.

Leave a comment