Where are you from? Về tính cách công dân và nguồn cội

Bùi Văn Phú

Tuần qua tôi đưa con đi thăm bảo tàng. Trong khi xếp hàng chờ vào cửa, mấy đứa trẻ nô đùa ríu rít với nhau bằng tiếng Anh. Có đôi vợ chồng da trắng ở tuổi hưu trí, không biết vì muốn tìm hiểu điều gì về các cháu nên hỏi: “Where are you from?” Đứa con gái của tôi, sinh ở Mỹ, trả lời là cháu đến từ thành phố nơi gia đình tôi sống ở đó. Rồi họ hỏi thêm về tuổi, về trường học, về một vài sở thích cho vãn chuyện trong lúc chờ đợi.

“Where are you from?” dịch ra tiếng Việt có thể không có nghĩa đúng với điều mà nhiều người nói tiếng Anh muốn tìm hiểu về đối tượng trước mặt. Câu hỏi đó có thể được dịch ra theo nghĩa thông thường là: “Bạn đến từ đâu?” và câu trả lời thường được định danh tiểu bang hay tỉnh thành nơi mình đang sống.

Nhưng câu hỏi đó mang một ý nghĩa khác trong tiếng Việt nếu bạn đang sống ở một nước khác, tiếp xúc với người của dân tộc khác. Khi đó dịch câu hỏi trên là: “Bạn người nước nào?” thì đúng hơn vì câu trả lời sẽ còn tuỳ, như một số bạn đọc góp ý trong bài viết trước của tôi [Tôi là ai? Nhưng không phải Việt kiều, 12.07.2009].

Lâu rồi, trong lần đi dự một hội nghị tổ chức ở Thái Lan, trước khi vào chương trình thảo luận có mục làm quen, tiếng Anh gọi là “ice breaker” giữa những người tham dự bằng một vài câu hỏi như:

1. Where are you from? [Bạn đến từ đâu?]
2. What is your favorite subject in highschool? [Môn học nào bạn thích nhất ở bậc trung học?]
3. Name a place you would like to go for vacation? [Chọn một nơi mà bạn thích để đi nghỉ hè]

Một anh trông như người Ấn Độ hỏi tôi từ đâu tới, tôi trả lời từ Hoa Kỳ. Tôi hỏi lại và được biết anh ta từ Singapore. Câu trả lời của tôi đến một cách tự nhiên như đã trả lời nhiều người khác trong những năm làm việc ở ngoài Hoa Kỳ. Anh bạn người Singapore cũng rất tự nhiên như tôi vì có lẽ cả hai đều có sự hiểu biết về địa lí, chủng tộc của hai quốc gia, nên anh không ngạc nhiên khi tôi nói mình là người Mỹ và tôi cũng không ngạc nhiên khi biết anh là người Singapore.

Trái với những nơi khác. Như ở Togo, châu Phi nơi tôi dạy học hai năm ở đó. Người dân Togo tôi gặp khi hỏi tôi từ đâu tới và nghe trả lời từ Hoa Kỳ thì rất ít người tin. Dưới con mắt của họ, trước tiên tôi là người Hoa, nếu tôi nói không phải thì những lời đoán kế tiếp là Nhật, Triều Tiên, Thái, Phi Luật Tân, rồi mới đến Việt Nam. Khi kể rõ ra mình là ai, nguồn gốc từ đâu thì họ hiểu.

Những cái nhìn nghi ngờ như thế chắc sẽ không có nếu tôi là một người da trắng. Giả sử gặp một người Pháp, Nga hay Úc da trắng, mà khi hỏi nếu họ nói là người Mỹ chắc mọi người đều tin. Không chỉ dân châu Phi, ở nhiều nơi khác nữa cũng thế, một người da vàng nếu nói là người Mỹ thì sẽ có nghi ngờ ngay.

Trong bài trước tôi nói tôi hãnh diện là người Mỹ. Điều này không phải là tôi muốn quên hay chối bỏ nguồn gốc của mình. Tôi muốn nói với bạn đọc từ nhiều nước trên thế giới, như đã nhiều lần nói với đồng nghiệp, bạn bè, là công dân Mỹ có nghĩa tôi được bình quyền như mọi người Mỹ khác. Tại sao bất cứ người da trắng nào, nếu họ nói họ đến từ Hoa Kỳ – trong trường hợp đang ở nước ngoài – hay họ là người Mỹ thì có ai thắc mắc về nguồn gốc từ Anh, Đức, Ý, Armenia, Ba Lan, Hungary hay Úc, Pháp, Bỉ không. Thế thì tại sao tôi lại phải nói dài dòng tôi là người Mỹ gốc Việt, hay gốc Hoa, gốc Thái, gốc Nhật. Tại sao phải như thế. Có phải vì người da trắng ở đây lâu đời và tôi là người mới đến đất nước này, hay dưới con mắt của một số người còn đầu óc kì thị, độc tôn về mầu da, vẫn cho rằng người da mầu không phải là người Mỹ?

Đối với một người da trắng, dù họ có đến Hoa Kỳ đã mấy đời thì bây giờ họ cũng chỉ hơn tôi được một điều là quyền ứng cử tổng thống, vì tôi không được sinh ra bởi bố mẹ có quốc tịch Mỹ, còn mọi quyền lợi khác tôi được bình quyền như tất cả mọi người dân Hoa Kỳ. Tôi ngẩng đầu lên hãnh diện cho con cháu noi theo.

Nước Mỹ đã có một thời kì của lịch sử đầy kì thị, bất công. Bao nhiêu người da đen đã bị làm nô lệ. Người châu Á đã bị cấm không được kết hôn với người da trắng, không được tự do cư trú, không được theo đuổi một số ngành nghề. Trong Thế Chiến II người Mỹ gốc Nhật đã bị đưa đi đày chỉ vì nước Nhật theo phe chống Mỹ, trong khi đó nước Ý cũng trong phe trục, chống lại đồng minh nhưng người Mỹ gốc Ý thì không bị tù đày.

Những chính sách kì thị, đối xử bất công nay không còn, nhưng trong nếp suy nghĩ của một số người vẫn có và thỉnh thoảng được thể hiện qua những hành động mà tôi có phản đối. Tôi đưa vài thí dụ trong 10 năm qua.

1/ Trường hợp Thượng nghị sĩ John McCain dùng chữ “gook” là tiếng miệt thị để chỉ cai ngục Việt Cộng. Tôi cực lực phản đối đến độ có người cho rằng tôi làm công tác cho Bộ Ngoại giao Việt Nam.

2/ Tôi phản đối một đạo luật ở California với mục đích biến giáo viên thành cảnh sát di dân.

3/ Một dân cử quận Cam có thái độ công khai chê Nghị viên Janet Nguyễn kém tiếng Anh, tôi phản đối ngay.

4/ Một dân cử gốc Mỹ La-tinh bị cảnh sát làm khó dễ chỉ vì mầu da và bị nghi ngờ là người nhập cư lậu. Tôi lên án hành vi mang tính kì thị của cảnh sát.

5/ Hãng Nike của Mỹ để đốc công hành hạ công nhân Việt, tôi tham gia biểu tình phản đối.

6/ Tôi phản đối Tổng thống George W. Bush đưa quân xâm lăng Iraq.

Với những quyền hiến định tôi được tự do mưu sinh, tự do đi lại, tự do phát biểu, tự do tham gia sinh hoạt chính trị, lập hội.

Như thế làm sao bảo tôi là người Việt được, ít nhất là trên tính cách công dân của một quốc gia.

Còn chuyện nguồn cội, bạn Dương Danh Huy đã chứng minh: nhận mình là người X nhiều khi không có liên quan gì đến chính phủ X. Tôi đồng ý.

Nhưng tôi có nhận xét thế này.

Ở Anh, ở Pháp hay ở Mỹ tôi có thể phản đối chính quyền nhưng không ai bắt giam và kết tội tôi chống lại đất nước. Còn ở Việt Nam nhà nước đánh đồng chính phủ với đất nước, tổ quốc để bao nhiêu người phản đối chính sách nhà nước đã phải vào tù như Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim.

Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là những ai còn nhận mình là người có nguồn gốc Việt sao lại cứ để chuyện bắt giam người như thế xảy ra hoài.

Như thế thì còn đâu người Việt một thời anh hùng để có người mơ sáng thức dậy được làm người Việt Nam. Như một ai đó đã mơ ước.

© 2009 Buivanphu

About Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú is a community college instructor and a freelance writer from San Francisco Bay Area. He worked with Peace Corps as a volunteer high school teacher in Togo, Africa and an educational consultant for United Nations High Commissioner for Refugees in Southeast Asia. Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps dạy trung học ở Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á.
This entry was posted in cộng đồng, chính trị Mỹ, đời sống. Bookmark the permalink.

Leave a comment