Nghe BBC Việt ngữ từ Tết Mậu Thân 1968

Bùi Văn Phú

Năm 1968 là một dấu mốc thời gian khó quên trong lòng nhiều người Việt ở miền Nam. Tổng công kích Tết Mậu Thân đã đem chiến tranh vào nhiều tỉnh thành và thủ đô Sài Gòn.

Năm đó cũng là thời gian tôi biết đến chương trình Việt ngữ của đài BBC. Khi những tin tức chiến trận không được đài Sài Gòn nhanh chóng đưa tin, dân khu xóm tìm nghe đài nước ngoài, thường là BBC tiếng Việt.

Nhà tôi nghèo chẳng có ra-đi-ô nên chỉ được nghe ké sóng phát thanh từ nhà ông bác vọng qua. Khu tôi ở thời đó không ồn ào vì lượng xe máy cón ít nên khi bác mở đài thì âm thanh vang lọt qua nhà tôi nghe rõ mồn một. Tôi nhớ mãi câu: “Đây là đài Bê Bê Xê Luân Đôn” qua giọng xướng ngôn viên mở đầu chương trình và điệu nhạc vui vui đánh thức tôi dậy mỗi sáng. Buổi tối, sau chương trình của BBC, qua đài Sài Gòn trước bản tin đầu giờ là câu nhắc nhở: “Bây giờ là 10 giờ tối. Xin qúi vị vui lòng điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe để khỏi làm phiền lòng hàng xóm đang cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi”.

Không biết các chú bác biết đến làn sóng BBC khi nào, nhưng nó trở nên quen thuộc với tôi từ sau Mậu Thân và là nguồn thông tin không thể thiếu, nhất là những khi có biến động từ chiến trường hay trong chính trường Việt Nam Cộng hoà: hành quân Lam Sơn 1970, mùa hè đỏ lửa 1972, hiệp định Ba Lê 1973, những phong trào tranh đấu của sinh viên, của các thành phần tôn giáo, trí thức chống chính phủ.

Khoảng sau chiến trận hè 1972 nhà tôi có một ra-đi-ô do ông chú mua ở chợ trời đem cho, không biết hiệu gì, mầu đen, to hơn bàn tay và chỉ mở được các đài trên sóng AM là Sài Gòn và Quân đội hay trên làn sóng ngắn là BBC, VOA, Mẹ Việt Nam, Gươm thiêng Ái quốc. Từ đó gần như mỗi ngày tôi nghe tin BBC rõ nhất trên tần số 41 mét.

Lên đại học, tôi là một sinh viên không ủng hộ chính sách của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tham gia phong trào nhân dân chống tham nhũng. BBC đã đem đến những thông tin khác hơn nguồn tin từ Bộ Thông tin Dân vận Chiêu hồi của chính phủ Việt Nam Cộng hoà, nhất là tin tức về biểu tình chống chính phủ trên đường phố Sài Gòn.

Những ngày cuối tháng 3.1975 tình hình quân sự miền Nam trở nên căng thẳng. Sau khi Ban Mê Thuột mất, rồi đến Huế, Đà Nẵng. Đầu tháng Tư, tin mất Nha Trang rồi Đà Lạt được BBC loan đi nhanh làm mấy gia đình hàng xóm lo lắng vì có con, cũng là bạn của tôi, đang theo học tại trung tâm huấn luyện quân sự, đại học chiến tranh chính trị ở đó. Theo đài, những thành phố trên được lệnh bỏ mà không chiến đấu trong khi phát ngôn viên chính phủ Việt Nam Cộng hoà cực lực cải chính.

Trong một diễn văn, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã có lúc mạt sát và đổ lỗi làm mất những tỉnh thành phiá bắc cho BBC và gọi đó là đài “ba ba xu”. Hư thực thế nào không biết nhưng từ mấy năm qua tôi không còn tin vào sự lãnh đạo của ông Thiệu vì ông đã cho sửa hiến pháp để có thể làm tổng thống suốt đời. Quan điểm của tôi là không độc tài, tham nhũng mới có thể chống cộng hữu hiệu.

Ngày 30.4.1975 xe tăng và bộ đội cộng sản tiến vào Dinh Độc lập. Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng. Tôi bỏ quê hương ra đi.

Từ những ngày lênh đênh trên biển đến khi vào trại tị nạn ở Philippines BBC vẫn là nguồn thông tin để người tị nạn biết về các trại tiếp nhận ở Đông nam Á, về chính sách cho định cư người Việt của các nước. Rời trại tị nạn, những ngày đầu ở California tôi và người quen vẫn canh giờ để nghe tin tức tiếng Việt qua sóng ngắn BBC, tuy có khó bắt hơn.

Năm 1983 tôi rời Hoa Kỳ qua Togo, châu Phi dạy học ở một tỉnh nhỏ, nơi thiếu điện nước và không có ti-vi. Tin tức thế giới biết được là qua BBC World Service hay VOA.

Hết hạn công tác ở Togo, tôi gửi đơn xin làm việc với BBC Việt ngữ. Để chuẩn bị, tôi ghi lại một bản tin Anh ngữ từ World Service, dịch ra tiếng Việt rồi ghi âm giọng mình đọc tin vào băng cát-sét. Tôi mở đầu với câu nói quen thuộc: “Đây là đài Bê Bê Xê Luân Đôn”. Kèm theo băng, ngoài bản tiểu sử tôi còn viết một trang tự giới thiệu và kể qua những kỉ niệm với chương trình Việt ngữ của đài BBC từ ngày còn ở quê nhà.

Ít lâu sau nhận tin từ BBC báo cho biết tôi có thể qua Accra, thủ đô của Ghana, bên cạnh Togo, để lấy bài thi nếu muốn. Còn không, khi nào sang Luân Đôn đến trụ sở của đài tại Bush House để thi.

Tháng 10.1985 tôi đến Luân Đôn. Vào đài BBC lấy bài thi dịch từ Anh ra Việt ngữ. Đó là một bài về lịch sử của “cat eyes” là những cục phản chiếu ánh sáng phân chia lằn đường. Sau đó tôi thử giọng.

Làm xong tôi được gặp bác Hữu Đại. Nghe giọng tôi bác hỏi có liên hệ quê quán gì với Nam Định. Bác nhận biết giọng các vùng miền ở Việt Nam khá chính xác. Tôi sinh trong nam, nhưng bố mẹ gốc Nam Định mà bác nói là nơi có giọng tiếng Việt chuẩn nhất. Đã nghe qua băng thử giọng, bác nhận xét cách tôi phát âm các chữ s và x chưa rõ lắm. Biết tiểu sử, bác hỏi tôi có thực sự muốn làm truyền thông với BBC không vì lương ít mà đời sống ở Luân Đôn đắt, trong khi với bằng khoa học về Mỹ tôi dễ có việc với mức lương cao hơn. Sau đó tôi được Nguyễn Qúi Đức đưa xuống căng-tin ăn trưa. Đức là bạn quen từ San Francisco thời còn đi học và hiện làm cho BBC. Tôi hỏi anh nhiều về việc làm và đời sống ở Luân Đôn.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đoàn Duy Thành, bên trái, cùng Thị trưởng San Francisco Frank Jordan, đứng kế, cắt băng khai mạc VietExpo ’94 (Ảnh Bùi Văn Phú)

Rời nước Anh, tôi đi chơi châu Âu và châu Á hai tháng. Trước Giáng Sinh trở về Hoa Kỳ nhận được thư BBC yêu cầu thử giọng lại, cùng lúc có điện thoại kêu đi phỏng vấn cho một việc ở Đông nam Á. Tôi nhận việc làm với người tị nạn vì đó là một phiêu lưu mới.

Tháng 2.1986 tôi công tác ở trại Galang, Indonesia. Làn sóng BBC Việt ngữ lại trở nên thân quen mỗi sáng và chiều tối khi chương trình được phát thanh trên hệ thống loa công cộng trong trại. Tin tức trên đài về chính sách định cư của các nước được thuyền nhân chú ý và bàn thảo nhiều. Biểu tình ở Philippines đưa đến sự lật đổ chế độ độc tài của Tổng thống Marcos cũng là những tin tức sốt dẻo. Năm đó Việt Nam công bố chính sách “đổi mới”, mở cửa giao tiếp với phương Tây là tin vui cho người trong nước nhưng lại gây hoang mang trong trại vì với quan hệ phát triển, thuyền nhân lo sợ bị trả về Việt Nam.

Năm 1988 tôi về lại Hoa Kỳ, đi dạy học là chính và viết báo, làm phát thanh như một sở thích.

Những năm đầu thập niên 1990 nở rộ những chương trình phát thanh ở California. Nam California có Little Saigon Radio, phiá bắc có Viên Thao, Mẹ Việt Nam. Tôi phụ trách phần hội luận trực tiếp trên đài Mẹ Việt Nam tuần một lần và đã đưa lên những đề tài nóng như bỏ cấm vận, bang giao với Việt Nam; vụ Mặt trận Hoàng Cơ Minh kiện ông Cao Thế Dung; về giáo dục, quan hệ cha mẹ với các con ở Mỹ.

Tháng 5.1994, tuy Hoa Kỳ và Việt Nam chưa chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng có cuộc thăm viếng của phái đoàn do Phó Thủ tướng Trần Đức Lương hướng dẫn, sau New York sẽ ghé San Francisco để mời gọi đầu tư vào Việt Nam. Phó ban Việt ngữ là bà Menna Bonsels và phóng viên Thu Thảo nhờ tôi ghi nhận sự kiện này vì là một bước quan trọng trong tiến trình bang giao hai nước. Đây là lần đầu tiên tôi làm phóng sự truyền thanh tại chỗ cho BBC. Bản tin phát về trong nuớc, chừng một tuần sau có thư gia đình, bạn bè cho biết còn nhận ra giọng nói của tôi sau gần 20 năm không gặp mặt.

Gian hàng SaigonTourist trong VietExpo ’94 (Ảnh Bùi Văn Phú)

Cuối năm có VietExpo ’94 do văn phòng giao thương quốc tế của Thành phố San Francisco phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức. Bên trong cả trăm gian hàng trưng bày sản phẩm Việt, bên ngoài hàng nghìn người biểu tình phản đối giao thương. Tôi lại làm phóng sự gửi về cho BBC.

Thời gian này ở California cũng nổi lên những tranh luận về một số đài phát thanh Việt ngữ tiếp vận chương trình BBC vì có người cho rằng BBC thân cộng, căn cứ vào những tin tức chiến trận nói rằng lính Việt Nam Cộng hoà chưa đánh đã bỏ chạy được đài loan đi trong tháng 4.1975. Nhưng bắc nam California vẫn có đài phát lại chương trình của BBC Việt ngữ.

Năm 1995 tôi trở về Việt Nam lần đầu và thấy các chú bác vẫn nghe BBC mỗi ngày, không mở lớn tiếng vang vang vào sáng sớm hay tối như ngày trước nhưng cũng không còn lén lút, sợ như sau tháng 4.1975 mà nghe bác kể là phải trùm chăn nghe để biết tin về người Việt được di tản sống sót, hội nhập ra sao. Bác nói trước đổi mới mà nghe BBC, công an khu vực bắt được là phiền lắm.

Cộng tác với BBC tôi đã có dịp nói chuyện trên sóng với các phóng viên Hồng Liên, Thu Thảo, Việt Tiến, Lê Quỳnh, Hồng Nga, Phạm Khiêm. Đúng là tôi có duyên nhưng không nợ với BBC Việt ngữ.

Với tiến bộ kĩ thuật, những năm qua tôi viết cho mạng BBCVietnamese.com nhiều hơn là lên sóng. Nhưng được đọc những gì tôi viết trên BBC ngày nay sẽ không có bác của tôi và nhiều người Việt trong nước hiện ở tuổi 60 hay cao hơn.

Sau ngày 26.3.2011 tới đây chương trình Việt ngữ của BBC sẽ ngưng phát thanh trên sóng ngắn, tôi biết trong đời sống của bác tôi sẽ như thiếu thốn, mất mát một cái gì đó rất thân thương.

© 2011 Buivanphu

[Bài đã đăng trên BBCVietnamese.com 21.03.2011]

About Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú is a community college instructor and a freelance writer from San Francisco Bay Area. He worked with Peace Corps as a volunteer high school teacher in Togo, Africa and an educational consultant for United Nations High Commissioner for Refugees in Southeast Asia. Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps dạy trung học ở Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á.
This entry was posted in đời sống and tagged . Bookmark the permalink.

5 Responses to Nghe BBC Việt ngữ từ Tết Mậu Thân 1968

  1. Pingback: Tin 23-3-2011 « BA SÀM

  2. Pingback: Anhbasam Điểm Tin 23-3-2011 « doithoaionline

  3. Vinh Hoang says:

    Tôi cảm nhận được những kỷ niệm và cảm xúc của tác giả. Tác giả cũng đã gợi nhớ cho tôi nhiều điều. Thành thật cảm ơn!

    Ngày nay tôi không còn nghe BBC Việt ngữ trên sóng nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn download một vài chương trình về để nghe. Tôi nhớ về thập niên 80 của thế kỷ trước, lén lút nghe BBC (như bây giờ nói nhỏ với nhau về chính trị) với cái radio Phillips nhỏ gắn bằng pin tự chế từ nước muối còn lại sau 1975, cha tôi đã truyền cho tôi ý niệm về chất lượng cuộc sống, về tự do, ít nhất cũng là tự do tư tưởng.

    Đến lúc ông ấy hôn mê, vẫn yêu cầu nghe được BBC. Tôi nhớ nhất câu nhận định của ông vào thập niên 80: “Xã hội này sẽ thay đổi khi không còn những người cầm quyền là người của cuộc nội chiến cũ, khoảng 20 năm nữa”. Nhưng ông đã không đúng, sự thay đổi thật không đoán được. Tôi không rõ khi nào thì câu nói của ông đúng! Nhưng chắc sẽ đúng!

  4. Pingback: Anhbasam Điểm Tin 23-3-2011 « webdoithoai.wordpress.com

  5. Hoà (VN) says:

    Bố tôi cũng thường nghe đài BBC từ mấy chục năm qua. Năm nay ông cụ đã hơn 70 tuổi nhưng sáng tối đều nghe đài BBC.

    Nghe tin chương trình phát thanh Việt ngữ của BBC sẽ không còn nữa, ông buồn buồn nói: “Thế là mất đi một nguồn tin để bố bàn luận với các bác trong hội người cao tuổi.”

Leave a comment