Phim Were Were Soldiers: hoài niệm chiến tranh và bài học Việt Nam

Bùi Văn Phú

We Were Soldiers – Chúng tôi từng là chiến binh – của đạo diễn Randall Wallace là phim dựa trên một trường thiên kí sự từ chiến trường mang cùng tựa do Harold G. Moore và Joseph L. Galloway viết, một người là sĩ quan chỉ huy trận đánh và một người là phóng viên duy nhất có mặt tại chiến địa lúc bấy giờ.

Tác phẩm We Were Soldiers dày 528 trang được xuất bản lần đầu năm 1993, đến nay đã tái bản đến lần thứ 8 và được dùng làm tài liệu giảng dạy tại nhiều đại học Hoa Kỳ. Chuyện kể lại trận đụng độ cấp trung đoàn giữa lính Mỹ và bộ đội cộng sản Bắc Việt tại thung lũng Ia Drang trên cao nguyên trung phần Việt Nam vào tháng 11.1965, thời điểm mà Hoa Kỳ mới bắt đầu đưa quân tác chiến vào nam Việt Nam.

Phim bắt đầu với hình ảnh bộ đội Bắc Việt đánh bại lính Pháp trong thập niên 50, sự việc được Trung tá Moore (Mel Gibson) nghiên cứu kỹ sau khi nhận được lệnh sang chiến đấu tại Việt Nam. Ông là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 7, Sư đoàn I Không kị Hoa Kỳ với chiến thuật mới là hành quân trực thăng vận.

Trung tá Moore là một vị sĩ quan đạo đức, can trường và mẫu mực. Ông lo cho binh lính thuộc quyền đến nơi đến chốn. Ông nói với họ nếu vào vùng lửa đạn thì ông là người đi tiên phong và sẽ là người cuối cùng ra khỏi chiến trường mang theo tất cả đồng đội dù còn sống hay đã tử trận. Những điều ông nói là niềm tin cho binh sĩ thuộc cấp lên tinh thần và Trung tá Moore đã giữ lời hứa khi đưa quân vào chiến trận.

Đụng độ với địch quân, binh lính của ông đã chiến đấu hết sức dũng cảm trong ba ngày đêm cho dù quân số địch ở cấp trung đoàn, trên hai ngàn người, do Thiếu tá Nguyễn Hữu An (Đơn Dương) chỉ huy, nhiều gấp bốn lần hơn quân số 450 của Trung tá Moore.

Gần như cả chiều dài cuốn phim là những hình ảnh chiến đấu anh dũng, có khi xáp-lá-cà, nhiều lúc đạn đại liên nổ rền vang liên tục nghe đến rát tai. Khi thì bom rơi, đạn nổ ngay trên đầu khiến quân Mỹ và quân Bắc Việt cùng bị tử thương. Khi thì trực thăng lao vào vùng trời ngập đạn phòng không để tiếp vận và tải thương. Từng đợt tiến công của cả hai bên là từng đợt chiến binh ngã gục. Xác lính của cả hai bên loang máu đỏ, chết chồng chất lên nhau.

Trận chiến đang diễn ra khốc liệt, từ Sài Gòn những quan chức từ Đại sứ quán Hoa Kỳ lo sợ dư luận quần chúng Mỹ có phản ứng bất lợi nên nhiều lúc không muốn cho không quân và pháo binh tiếp tục yểm trợ. Tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam, Tướng William C. Westmoreland qua máy truyền tin cũng muốn Trung tá Moore rút lui, nhưng ông xin được bất tuân lệnh rồi cúp máy và nhất định tiếp tục chiến đấu.

Chiến trường sôi động thì hậu phương lo lắng. Trong trại gia binh tại bản doanh đơn vị trên đất Mỹ có những người vợ lính hồi hộp nghe ngóng tin chồng. Rồi tin dữ cũng tới. Những bức điện báo tử từng ngày đem tin buồn đến cho những thiếu phụ có chồng đang xông pha nơi chiếu trường lửa đạn. Ôi còn nỗi đau đớn, xót xa nào hơn! Bãi chiến trường ngổn ngang những pông-sô che xác người lính trẻ. Ở hậu phương những thiếu nữ bỗng dưng thành người góa phụ. Những đứa con thơ trở nên côi cút.

Sau ba ngày đêm chiến đấu, bộ đội cộng sản Bắc Việt hết quân và bỏ ý định chiếm lĩnh vùng thung lũng Ia Drang. Hai bên thu dọn chiến trường. Cuốn phim chấm dứt ở đó.

Tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam (Vietnam War Memorial) ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, trên phiến đá đen mang số 3E có khắc tên 304 lính Mỹ tử trận tại Ia Drang, trong số 58.226 binh sĩ Mỹ đã bỏ mình trong cuộc chiến Việt nam, một cuộc chiến kéo dài mười năm, tốn trên 300 tỉ đô la. Một giá quá cao, một bài học thất bại chua cay mà không một vị lãnh đạo nước Mỹ nào muốn lập lại.

Sau này Tướng Võ Nguyên Giáp cho biết mục đích của Hà Nội khi tấn công chiếm Ia Drang là để cắt cao nguyên trung phần và phiá bắc duyên hải miền nam ra khỏi sự kiểm soát của Việt Nam Cộng hoà. Nếu Hà Nội đã chiến thắng trong trận này thì cục diện chiến tranh Việt Nam chắc đã khác.

Ngày nay Harold G. Moore là Trung tướng Lục quân về hưu. Còn Joseph L. Galloway sau 44 năm làm phóng viên, từ Việt Nam sang đến chiến tranh Vùng Vịnh Ba Tư 1991, hiện làm cố vấn đặc biệt cho Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, cũng từng tham chiến tại Việt Nam.

Dù người Mỹ thắng trận Ia Drang nhưng cuộc chiến kéo dài và đưa đến thất bại cho Hoa Kỳ. Bài học thất bại tại Việt Nam luôn là nỗi ám ảnh cho tổng thống, vị Tổng tư lệnh Tối cao của Quân đội Hoa Kỳ, khi quyết định đưa lính Mỹ đi tham chiến ở nước ngoài. Sau Việt Nam, Hoa Kỳ đã đem quân đi chiến đấu tại Grenada, Lebanon, Panama, Somalia, Vùng Vịnh Ba Tư, Afghanistan.

Cuộc chiến Việt Nam để lại cho Hoa Kỳ một bài học là khi đã quyết định tham chiến thì phải đánh mau, đánh mạnh và quân đội Mỹ phải được mọi sự hậu thuẫn để họ đạt mục đích cuối cùng là: chiến thắng.

© 2002 Buivanphu

About Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú is a community college instructor and a freelance writer from San Francisco Bay Area. He worked with Peace Corps as a volunteer high school teacher in Togo, Africa and an educational consultant for United Nations High Commissioner for Refugees in Southeast Asia. Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps dạy trung học ở Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á.
This entry was posted in chính trị Mỹ, điện ảnh and tagged . Bookmark the permalink.

4 Responses to Phim Were Were Soldiers: hoài niệm chiến tranh và bài học Việt Nam

  1. dan says:

    “Cuộc chiến Việt Nam để lại cho Hoa Kỳ một bài học là khi đã quyết định tham chiến thì phải đánh mau, đánh mạnh và quân đội Mỹ phải được mọi sự hậu thuẫn để họ đạt mục đích cuối cùng là: chiến thắng.”

    Tôi thấy anh hơi hiếu chiến. Anh cũng như Người Mỹ trước kia thôi, sẵn sàng gieo đau thương cho kẻ khác, kể cả đồng loại mình để giành chiến thắng. Chỉ có những người lính chiến đấu trực tiếp mới thấu hiểu được cái phi nghĩa của chiến tranh. Khi trận chiến vừa kết thúc, anh hỏi những người lính còn sống sót vừa bước ra xem họ có dám bảo bên mình thắng không hay chỉ những loại rác rưởi mới vồ lấy chiến thắng về mình như sợ người ta cướp giật mất.

    Tôi thấy bộ phim thất bại nhất khi trong phim, họ dàn dựng cảnh một cách cố ý để người ta cảm tưởng như bên mình thắng mà làm lu mờ đi tính nhân văn. Tôi gọi đó là sự ích kỷ.

    Chiến thắng trong chiến tranh có nghĩa lý gì không khi nó đều từ xương máu người lính mà ra. Người Việt Nam chúng tôi không mấy khi to mồm tranh luận thắng thua với kẻ khác, đó là phẩm chất của cha ông từ ngàn đời nay.

    • buivanphu says:

      Bạn Dan,

      Sau thất bại quân sự ở Việt Nam, Hoa Kỳ đã nhiều lần đem quân đến những quốc gia khác như Grenada, Lebanon, Somalia và đã giải quyết vấn đề ở những nơi đó một cách mau chóng.

      Gần 10 năm qua lính Mỹ đã chiến đấu ở Afghanistan và Iraq. So với thời chiến tranh Việt Nam, người dân Mỹ không có những phản đối rầm rộ nhưng chính quyền Obama đã có kế hoạch rút quân khỏi Iraq trong năm tới.

      Còn chuyện tranh luận thắng thua trong cuộc chiến Việt Nam thì sách báo trong nước đã viết rất nhiều và ở Mỹ tôi cũng tìm đọc được trong thư viện. Nhiều lắm chứ không phải ít đâu. Nếu không có tranh luận thắng thua thì không hiểu tại sao tài tử Đơn Dương, đóng vai sĩ quan chỉ huy Quân đội Nhân dân đối đầu với lính Mỹ trong phim này lại bị trù dập và phải rời Việt Nam ra đi sống ở nước ngoài.

      Cám ơn những góp ý của bạn.

      – Bùi Văn Phú

  2. Pingback: Tin thứ Bảy, 23-07-2011 « BA SÀM

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Bảy, 23-07-2011 | bahaidao

Leave a comment