Cây trái quê nhà

Bùi Văn Phú

“Chúng ta đi mang theo quê hương” là chủ đề của một chương trình ca nhạc do Trung tâm Thúy Nga thực hiện đã nói lên tâm tình và sinh hoạt văn hoá của người Việt xa xứ qua những màn ca vũ nhạc kịch. Tôi rất thích DVD này và khi có dịp thường xem lại để nhớ về quê cũ, để thấy những tà áo dài, những cánh đồng lúa xanh, thấy những con đò, thấy đường đi Hạ Long đẹp nào có thua gì đường lên Yosemite hay Lake Tahoe ở đất California.

Đó là quê hương đã bỏ lại. Còn khi ra đi chúng ta đã mang theo được những gì? Từ cơn hoảng loạn 30-4-1975 cho đến những bí mật và kinh hoàng của vượt biên, vượt biển thì còn gì bên mình để mang theo? Có chăng chỉ là kỉ niệm trong kí ức và nỗi nhớ nhung bất tận.

Ba mươi bảy năm trước, lịch sử cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ mở ra với các trại đón tiếp người Việt ở California, Arkansas, Florida và Pennsylvania. Trong phim Green Dragon (Rồng Xanh) của đạo diễn Timothy Linh Bùi với không gian là trại tị nạn Camp Pendleton ở miền nam California vào thời điểm năm 1975, trong đó có hình ảnh một vị tướng Việt Nam Cộng hoà bị khinh chê, sống buồn bã trong trại nên ông chỉ gõ mõ tụng kinh và lo vun tưới cây ớt trồng bên cạnh lều, mong nó đơm hoa kết trái.

Hình ảnh cây ớt là biểu tượng của một nét văn hoá Việt còn đọng lại trong cộng đồng người Việt ở Mỹ cùng với nhiều thứ rau cỏ, cây trái khác của quê hương. Đến nhà của một người Việt, giầu hay nghèo, đơn sơ hay sang trọng cũng thường thấy sân sau có chút đất để ươm trồng vài thứ cây ăn trái hay các loại rau thơm. Sân sau nhà ca sĩ Khánh Ly có cây ớt cao hơn đầu người với trái cay xé lưỡi. Nhà người bạn ở gần Thư viện Nixon cũng trồng ớt chỉ thiên, kim quất, nhãn, na bên cạnh cây fig. Một bạn khác ở Huntington Beach trồng roi, chuối bên cạnh hoa ngọc lan. Có nhà còn trồng được mít, ổi, thanh long.

Ba chục năm trước rất ít có những loại hoa trái đó trong vườn nhà người Việt tại Hoa Kỳ. Cây ngọc lan có lúc giá vài trăm đô, nay chỉ vài chục.

Măng cụt từ một chợ bên Thái Lan vào thập niên 1980

Hoa quả Mỹ là cam vàng và táo đỏ, hai món ăn tráng miệng có trong các bữa ăn tị nạn vào thời điểm năm 1975 và là những loại trái cây người Việt ai cũng thích.

Khi mới đến trại tị nạn được ăn một quả táo, quả cam lúc đó sao ngon ơi là ngon. Ở trại Pendleton, một số người thấy trái cây ngon nên xếp hàng nhiều lần để lấy đem về lều, cho dù ban điều hành trại đã có những thông báo cho biết việc mang thức ăn vào trong lều có thể là mồi hấp dẫn cho rắn, chuột, sóc kéo đến.

Nhưng cây trái xứ Mỹ không chỉ có thế. Bước vào đời sống mới, đi siêu thị mới thấy táo có nhiều loại: táo đỏ, táo xanh, táo vàng, táo có vân và có loại mềm, loại cứng cùng nhiều thứ trái cây khác trông cũng thật hấp dẫn: những chùm nho đỏ, nho xanh, những trái mận, trái đào ngày xưa mơ ước được ăn, nay tràn đầy trên quầy. Ăn nhiều rồi có những lựa chọn: chỉ thích táo đỏ thơm ngọt, chê táo xanh dày vỏ và chua, chỉ thích nho cam không hột.

Khu xóm ở Mỹ nhiều nhà trồng mận đỏ, mùa hè sai trái nhưng chẳng ai hái ăn mà để chín rụng đầy sân nhơ nhớp chất ngọt. Đi ngang xin vào hái, chủ nhà cho ngay. Thế là có cả rổ mà không tốn tiền mua.

Sau này còn đi hái trái ở những vườn cây, vào ăn không phải trả tiền. Ăn đến ngán nên nhiều loại cây trái không còn sức hấp dẫn nữa.

Khi đã ngán cam nho táo là lúc bắt đầu nhớ cây trái quê nhà. Nhớ quả na, trái vú sữa. Nhớ chôm chôm, mãng cầu. Thèm một trái măng cụt, trái sa-cu-chê, múi mít, miếng ổi xá lị hay lát xoài tượng. Nhớ đến thèm mà không tìm ra ở đâu bán. Có chăng ít trái vải, mít, nhãn đóng hộp nhập cảng từ Thái Lan với chất ngọt của đường lấn át hết cả hương vị.

Sau nhiều năm xa quê, cây trái quê nhà tôi tìm lại được lần đầu tiên ở những nơi rất xa lạ. Na, mãng cầu, đu đủ tận bên châu Phi. Soài, mít, măng cụt, nhãn lồng, me ngào, ổi ở Thái Lan hay Singapore.

Hai chục năm trước thấy lại trái vải tươi lần đầu tiên trong một nhà hàng ăn bao bụng ở Las Vegas. Thế là tha hồ ăn. Lúc đó xem ra quý lắm. Bây giờ trái vải Trung Quốc tràn ngập các siêu thị Á đông.

Có dịp về quê cũ, tìm ăn những loại hoa quả mình thích và thấy hương vị đã khác đi. Những múi mít nhỏ và ướt, không to và giòn như mít Thái. Sầu riêng không thơm ngon như hàng từ nước lân bang. Có hai loại cây trái ở Sài Gòn còn hấp dẫn với tôi là na và vú sữa. Trái vú sữa là đặc sản rất riêng của Việt Nam vì đi qua nhiều nơi trên thế giới tôi chưa thấy ở đâu có loại trái này. Phải đặc biệt lắm nên bưu điện mới phát hành tem thơ với hình ông Hồ Chí Minh tưới cây vú sữa.

Na trong vườn nhà người quen ở Togo, châu Phi

Ngày nay ở Mỹ không thiếu các loại cây trái quê nhà: chôm chôm, sầu riêng, mít, nhãn, măng cụt giờ thường thấy bán trong các chợ Việt ở Little Saigon, nhưng là sản phẩm từ Thái Lan, Nam Mỹ hoặc được trồng ngay trên đất Hoa Kỳ. Hương vị còn đậm đà hơn cây trái miệt vườn của ta.

Hôm rồi đi chơi nam California, nghe một người bạn kể ở đó có một gia đình Việt trồng được nhiều thứ cây trong vườn sau nhà, đặc biệt có cây na với rất nhiều quả, có trái nặng cả kí-lô, dai và thơm ngọt do được cải giống giữa na châu Á và na Brazil.

Nghe kể chuyện cây trái quê nhà trong vườn ở Mỹ tôi nhớ đến câu chuyện quả cam Bố Hạ. Theo truyền khẩu thì cây cam trồng ở đất Bố Hạ mới ra trái ngon ngọt, đem đi xứ khác trồng là thành cam chua.

Ngày nay như đã ngược lại. Cây trái trồng ở quê nhà không thơm ngon lắm. Những hạt giống Việt được ươm trồng nơi đất tốt như California, Florida đã sinh ra nhiều hương hoa ngon ngọt hơn.

Cũng như con người Việt Nam. Rời quê hương ra đi, tìm được đất lành nên phát sinh ra nhiều nhân tài.

(ảnh trong bài của tác giả)

© 2012 Buivanphu

About Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú is a community college instructor and a freelance writer from San Francisco Bay Area. He worked with Peace Corps as a volunteer high school teacher in Togo, Africa and an educational consultant for United Nations High Commissioner for Refugees in Southeast Asia. Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps dạy trung học ở Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á.
This entry was posted in ở quê xưa, cộng đồng, người Việt hải ngoại, đời sống and tagged , . Bookmark the permalink.

Leave a comment