Bầu cử 2012: vẫn thiếu ứng viên Việt ở cấp cao

Bùi Văn Phú

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt thành hình đã được 37 năm. Nhưng tham gia của người Việt vào sinh hoạt chính trị dòng chính còn ở mức khiêm nhường và năm nay sự tranh đua vào chính trường lại thấp hơn so với trước đây.

Năm 2010 tranh cử vào quốc hội liên bang có Luật sư Trần Thái Văn, lúc đó là Dân biểu Tiểu bang California; và Dân biểu Joseph Cao Quang Ánh tái tranh cử nhiệm kỳ hai ở Louisiana. Kết quả cả hai không thành công. Năm nay không có người Việt nào chạy đua vào chính quyền liên bang.

Ở Texas năm nay có hai người ứng cử vào lập pháp tiểu bang là đương kim Dân biểu Hubert Võ tái tranh cử lần thứ tư tại Đơn vị 149 và Luật sư Vy Nguyễn ứng cử lần đầu tiên tại Đơn vị 26, vùng ngoại ô của Houston.

Nam California tháng Sáu vừa qua có đương kim Ủy viên Giáo dục Quận hạt là Tiến sĩ Long Phạm và nhà báo Joe Dovinh cùng tranh chức dân biểu tiểu bang Đơn vị 72 nhưng cả hai không được vào vòng nhì.

Theo báo Người Việt trong kỳ bầu cử ngày 6 tháng 11-2012 có 12 ứng viên gốc Việt tranh cử ở Quận Cam

Dân cử cao nhất ở California hiện nay là Giám sát viên Janet Nguyễn của Hội đồng Giám sát Quận Cam. Bà mới tái đắc cử vào tháng Sáu vừa qua với hơn 70% số phiếu.

Nếu so sánh với một cộng đồng tị nạn cộng sản tương đồng thì người gốc Cuba, ào ạt đến Mỹ tị nạn từ sau vụ Vịnh Con Heo thất bại năm 1959, đến đầu thiên niên kỷ này, tức sau bốn thập niên thì người Mỹ gốc Cuba đã có nhiều ảnh hưởng trong chính trường Hoa Kỳ.

Ngày nay người Cuba ở Mỹ có tiếng nói mạnh vì có bốn dân biểu và hai thượng nghị sĩ trong Quốc hội Hoa Kỳ. Hầu hết những dân cử gốc Cuba được bầu chọn từ bang Florida.

Có khoảng gần hai triệu người gốc Cuba ở Mỹ. Họ sống tập trung hơn người Việt nên có sức mạnh của lá phiếu để đưa người vào những cơ quan chính quyền cao nhất.

Tại bang Florida, người Cuba sống đông nhất quanh vùng Miami, gọi là Little Havana với nhiều thành phố ở đây có số người Cuba chiếm đến hơn 60%. Trên toàn nước Mỹ, 15 khu vực có hơn 30% người gốc Cuba sinh sống đều nằm quanh Miami. Với mật độ dân cư cao, người Cuba đã có khả năng đưa được nhiều người vào lập pháp tiểu bang cũng như liên bang. Thượng nghị sĩ Marco Rubio trước khi được bầu chọn vào Thượng viện Hoa Kỳ thì ông là chủ tịch lập pháp của Florida.

Nhìn lại cộng đồng người Việt, với 1 triệu 600 nghìn dân, nhưng lại sống rải rác ra ở nhiều khu vực, nhiều tiểu bang khác nhau, từ Quận Cam, San Jose ở California sang Houston, Dallas ở Texas; và các tiểu bang Virginia, Georgia, Washington.

Bảng vận động của một ứng viên gốc Việt ở Quận Cam

Bảng vận động tranh cử ở Little Saigon, Quận Cam

Dù Quận Cam ở miền nam California có số người Việt đông nhất, nhưng so với dân số khu vực và cả tiểu bang là 37 triệu thì tỉ lệ người gốc Việt là con số nhỏ. Little Saigon với Westminster cũng chỉ có 40% người Việt, Garden Grove bên cạnh với 28%. San Jose có 100 nghìn người Việt nhưng so với dân số toàn thành phố thì mới chiếm 10%.

Little Saigon ở nam California là nơi có nhiều dân cử gốc Việt nhất. Westminster có 3 nghị viên người Việt, chiếm đa số trong hội đồng thành phố. Garden Grove trước đây có ba nghị viên, nay chỉ còn một.

Ngoài số cư dân gốc Việt khá đông, nhưng chưa chiếm đa số, trong vài thành phố, nhưng tính trên địa bàn đơn vị bầu cử quốc hội cấp tiểu bang hay liên bang sức mạnh của khối cử tri Việt chưa phải là cao. Trong khi đó còn có sự tranh giành lá phiếu giữa các ứng viên gốc Việt.

Như trong kỳ bầu sơ bộ vào tháng Sáu vừa qua ở Quận Cam. Trong cuộc tranh cử chức dân biểu tiểu bang Đơn vị 72, vì có hai ứng viên gốc Việt nên bị chia phiếu để cả hai đều không được vào vòng nhì.

Kết quả cuộc bầu cử đó như sau: Troy Edgar được 28%, Travis Allen 19.9%, Joe Dovinh 19.3%, Long Phạm 19.2% và Albert Ayala 13.7%. Giữa ứng viên về nhì và Dovinh chỉ cách nhau hơn 400 phiếu và giữa hai ứng viên Việt chỉ hơn kém nhau 23 phiếu. Nếu chỉ có một ứng viên gốc Việt thì chắc chắn ứng viên này đã được vào vòng nhì và có khả năng cao để thắng chức dân biểu tiểu bang.

Trận chiến giữa hai ứng viên Troy Edgar và Travis Allen đang cam go và cả hai đều ráo riết vận động cộng đồng người Việt vì biết rằng lá phiếu của họ sẽ là yếu tố quyết định thắng bại trong ngày 6-11 tới đây.

Tại San Jose, bốn năm trước đây bầu nghị viên Khu vực 8 và đã có đến ba ứng viên gốc Việt tranh nhau. Kết quả không ai vào được vòng nhì cũng vì bị chia phiếu của người Việt.

Ls. Jimmy Nguyễn tranh cử ở San Jose

Năm nay trong kỳ bầu sơ bộ vào tháng Sáu, cũng tại Khu vực 8 với ứng viên gốc Việt duy nhất là Luật sư Jimmy Nguyễn. Kết quả ông về thứ nhì với 28% để vào chung kết với nghị viên đương nhiệm Rose Herrera được 48%. Cuộc tranh cử này đang rất sôi nổi với cả quảng cáo vận động trên ti-vi, là cách thức ít thấy trong các vận động tranh chức ở cấp thành phố, và với cáo buộc từ hai ban vận động về những việc làm của đối thủ được cho là vi phạm luật bầu cử.

Người Việt San Jose hy vọng sau ngày bầu chọn 6-11 sẽ có thêm một dân cử gốc Việt trong hội đồng thành phố.

Trở lại miền nam California, năm nay có 12 ứng viên gốc Việt tranh cử các chức vụ ủy viên giáo dục, nghị viên thành phố, thị trưởng.

Đang tranh chức thị trưởng Westminster có hai người Việt là đương kim Phó Thị trưởng Trí Tạ, ông Hà Mạch là một thương nhân và ba ứng viên khác.

Nghị viên Andy Quách trước đây đã tranh chức thị trưởng thành phố này nhưng không thành công. Lần này có nhiều khả năng sẽ có một thị trưởng gốc Việt đầu tiên được dân bầu lên ở Hoa Kỳ và Westminster sẽ là trung tâm điểm sinh hoạt chính trị của người Mỹ gốc Việt.

Người Cuba và người Việt ở Mỹ được biết đến là những cộng đồng với tinh thần chống cộng cao. Từ cùng có lịch sử vượt biển đến những sinh hoạt chính trị đã nói lên tinh thần đó. Năm 1999 cộng đồng người Cuba muốn bảo vệ bé trai Elián González khỏi bị trả về nước qua các cuộc biểu tình ở Miami đã làm xôn xao dư luận. Người Việt năm đó có vụ Trần Trường treo cờ đỏ và hình Hồ Chí Minh gây phẫn nộ trong cộng đồng và tạo nên những cuộc biểu tình với hàng vạn người.

Nhưng so sánh với cộng đồng Cuba, sau gần bốn mươi năm có mặt ở Mỹ và dù nhiều người Việt tham gia bầu cử và ứng cử, hiện vẫn không có dân cử gốc Việt trong Quốc hội Hoa Kỳ.

(ảnh trong bài của tác giả)

© 2012 Buivanphu

About Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú is a community college instructor and a freelance writer from San Francisco Bay Area. He worked with Peace Corps as a volunteer high school teacher in Togo, Africa and an educational consultant for United Nations High Commissioner for Refugees in Southeast Asia. Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps dạy trung học ở Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á.
This entry was posted in bầu cử ở Hoa Kỳ, cộng đồng, chính trị Mỹ and tagged , , , , . Bookmark the permalink.

4 Responses to Bầu cử 2012: vẫn thiếu ứng viên Việt ở cấp cao

  1. Pingback: Tin Chủ Nhật, 04-11-2012 « BA SÀM

  2. Pingback: Anhbasam Điểm Tin Chủ Nhật, 04-11-2012 | bahaidao2

  3. Pingback: Tin Chủ Nhật, 04-11-2012 | Dahanhkhach's Blog

  4. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN CHỦ NHẬT 4-11-2012 « Ngoclinhvugia's Blog

Leave a comment