Putin, Obama và Syria

Bùi Văn Phú

Mấy tuần qua, dư luận Mỹ sôi nổi trước những dấu chỉ Tổng thống Barack Obama sẽ dùng biện pháp quân sự đối với Syria, vì chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã dùng võ khí hoá học tấn công vào phe nổi dậy ở ngoại ô Damascus hôm 21-8-13 khiến cả ngàn người chết, trong đó có nhiều trẻ em.

Tổng thống Obama đã nhiều lần cảnh cáo nếu Damascus bước qua lằn đỏ, tức là dùng võ khí hoá học, Hoa Kỳ sẽ có biện pháp.

Hình ảnh về những cái chết của phụ nữ và trẻ nhỏ gần thủ đô Damascus được truyền thông và các tổ chức bảo vệ nhân quyền phổ biến cho thấy nhiều em bị giết chết mà trên người không có dấu thương tích. Giới chức hành pháp Mỹ tin rằng Assad đã ra lệnh cho quân đội xử dụng chất hoá học trong cuộc chiến, một sự vi phạm nghiêm trọng những công ước quốc tế. Theo Obama, Damascus đã bước qua lằn đỏ.

Tuy nhiên những nỗ lực ngoại giao của Mỹ để tìm sự hậu thuẫn quốc tế cho một cuộc tấn công vào Syria đã không được nhiều quốc gia ủng hộ. Quốc hội Anh quyết định không can dự quân sự vào Syria. Nga Sô và Trung Quốc không ủng hộ Mỹ.

Tại hội nghị G-20, một lời kêu gọi quốc tế phản ứng mạnh đối với Syria được một nửa số lãnh đạo tham dự tán đồng, trong đó có Anh, Pháp, Úc, Canada, Nhật, Nam Hàn. Một nửa không ủng hộ có Nga Sô, Đức, Mexico, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Indonesia. Thế giới quan ngại về chủ trương của Mỹ, một phần vì những bằng chứng võ khí hoá học không có thực đã được lãnh đạo Mỹ đưa ra trước khi đem quân vào Iraq một thập niên trước đây.

Tổng thống Obama muốn có sự đồng tình của Quốc hội. Một ủy ban của Thượng viện đã thông qua nghị quyết ủng hộ biện pháp quân sự. Nhưng đa số dân chúng thì không. Vùng San Francisco nổi tiếng chống chiến tranh, khi nghị sĩ Dianne Feinstein phát biểu tỏ ý ủng hộ giải pháp quân sự thì nhiều người đã kéo đến trước tư gia của bà biểu tình phản đối.

Dân Mỹ nghi ngờ chính phủ của họ. Các thăm dò cho thấy 60% dân chúng không ủng hộ biện pháp quân sự. Nhiều dân cử Quốc hội cũng không tán đồng, dù biện pháp đưa ra rất giới hạn vào mục tiêu và trong ngắn hạn.

Hôm thứ Ba, Tổng thống Obama nói chuyện với quốc dân và vẫn muốn dùng biện pháp quân sự để trừng phạt Damascus. Tổng thống nói những lý tưởng và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ đang bị đe doạ ở Syria. Hoa Kỳ không thể để cho chuyện dùng võ khí hoá học giết người mà không có phản ứng.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng hoãn lại kế hoạch quân sự để cho các giải pháp ngoại giao có cơ hội hình thành trước đề nghị của Nga Sô, và Damascus đã đồng ý, cho một ủy ban quốc tế vào Syria kiểm soát và tiêu hủy võ khí hoá học.

Tuần qua, sau những thương thảo tại Geneve, Hoa Kỳ và Nga Sô đã đạt được một thoả thuận về kiểm tra và giải giới vũ khí hoá học của Syria. Theo đó, trong vòng một tuần Damascus phải chuyển cho ủy ban thanh sát danh sách vũ khí hoá học đang có. Sau đó quốc tế sẽ tiến hành kế hoạch tiêu hủy, hoàn tất chậm nhất là giữa năm 2014.

Syria có thực lòng tuân thủ thoả thuận này và các công ước quốc tế hay không thì phải chờ thời gian trả lời.

Có lý giải về sự chần chừ, tính toán của Obama mang tính thiếu cương quyết của lãnh đạo Hoa Kỳ. Vì nếu chỉ tấn công vào một số căn cứ quân sự, trung tâm sản xuất vũ khí của Syria và trong một thời gian vài ngày mà không đưa lính Mỹ vào, Obama không cần có sự chấp thuận của Quốc hội. Những tổng thống Mỹ như Ronald Reagan, George Bush (cả cha và con) cũng như Bill Clinton đã hành động như thế ở Grenada, Pamana, Lybia, Bosnia-Kosovo.

Sau bài diễn văn của Obama tối 10-9, không khí sôi nổi và so lợ Hoa Kỳ lại can dự vào chiến tranh tạm lắng xuống, tuy nhiên đa số dân Mỹ cũng không thay đổi quan điểm về việc Hoa Kỳ dùng biện pháp quân sự ở Syria.

Vì sao Hoa Kỳ lại quan tâm đến Syria? Hai năm trước, vùng Trung Đông nổi lên những cuộc xuống đường đòi tự do dân chủ, từ Ai Cập, Tunisia sang đến Libya. Những cuộc biểu tình nổ ra làm nên “Mùa xuân Ả Rập”.

Cơn sóng dân chủ cũng tràn sang Syria với những cuộc xuống đường đòi tự do, nhưng Tổng thống Bashar al-Assad ra lệnh cho quân đội thẳng tay đàn áp. Từ đó bùng lên chiến tranh giữa phe cầm quyền và những nhóm chống đối. Hai năm qua, cuộc nội chiến ở Syria đã khiến cả trăm nghìn người chết, hàng triệu cư dân phải rời bỏ nơi cư trú để tạm lánh nạn ở những vùng không có chiến tranh hay phải vượt biên giới qua các nước lân bang Lebanon, Turkey, Jordan để tị nạn.

Syria có 22 triệu dân và hiện nay trên 5 triệu người đã đi tị nạn ngay trên chính quê hương hay tại một quốc gia lân bang, là làn sóng tị nạn đông nhất kể từ đầu thế kỷ.

Syria cũng đã trở thành điểm đối đầu giữa Hoa Kỳ và Nga Sô, căng thẳng nhất trên mặt trận ngoại giao.

Sau Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ và Nga Sô đã coi nhau như bạn trong hai thập niên qua, cho đến khi Vladimir Putin trở thành tổng thống thì hai nước lại đối nghịch nhau, tuy không đến mức nóng như trong thời chiến tranh Việt Nam. Tổng thống Putin và Tổng thống Obama chẳng vui vẻ gì với nhau kể từ khi cựu nhân viên tình báo NSA Edward Snowden đến Nga xin tị nạn. Hoa Kỳ muốn Snowden bị trục xuất về Mỹ để đối mặt với công lý, Nga Sô cho anh ta tị nạn. Obama hủy bỏ cuộc gặp đã lên chương trình với Putin nhân dịp hội nghị G-20 ở St. Petersburg, Nga Sô. Một quyết định chưa từng xảy ra giữa lãnh đạo hai nước.

Tại hội nghị G-20 hôm đầu tháng này, hai lãnh đạo chỉ vui vẻ bắt tay trước ống kính truyền thông chứ không nồng ấm gì trong các buổi thảo luận. Quan hệ hai nước trở nên căng thẳng khi Hoa Kỳ nói có bằng chứng Assad trong tháng Tám đã xử dụng võ khí hoá học trong một cuộc tấn công vào phe chống đối khiến hàng ngàn người chết, trong đó có nhiều trẻ em.

Từ khi xảy ra nội chiến, Hoa Kỳ đã đóng cửa sứ quán ở Damascus và công khai bày tỏ lập trường ủng hộ quân chống lại chính quyền Assad. Đã nhiều lần các nhà làm chính sách của Mỹ tuyên bố muốn Assad rút lui. Còn Nga Sô lại ủng hộ Assad.

Một ngày sau diễn văn của Tổng thống Obama, Tổng thống Putin viết bài xã luận đăng trên báo New York Times đưa ra lập luận rằng vũ khí hoá học đã được phe chống đối xử dụng, không phải do chính quyền Assad. Theo Putin, phe nổi dậy muốn lôi kéo các cường quốc vào cuộc nội chiến ở Syria. Như thế đang có cuộc đối đầu giữa hai cường quốc đã một thời đo găng với nhau trên chiến trường Việt Nam.

Tại sao Hoa Kỳ muốn can dự vào Syria, một quốc gia cách xa nước Mỹ cả vạn cây số. Vì quyền lợi kinh tế, vị trí chiến lược, an ninh của Hoa Kỳ hay vì lý tưởng dân chủ tự do?

Vị trí chiến lược có lẽ là lý do quan trọng hơn cả. Hoa Kỳ không muốn có thêm một quốc gia thù nghịch nữa với Mỹ, sau Iran, trong vùng.

Nhưng điều đó ngày nay không đơn giản và dễ dàng. Tại Syria, Hoa Kỳ và Anh, Pháp đứng về một phía. Đối nghịch lại là Nga Sô và Trung Quốc. Trên mặt trận ngoại giao và chính trường quốc tế trong lúc này Syria là điểm nóng vì các nước muốn can dự đều là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc.

Nhìn cảnh chiến tranh, người tị nạn và sự can dự của các nước lớn vào Syria mà không thể không liên tưởng đến Việt Nam nửa thế kỷ trước.

Bài học nội chiến ở Việt Nam có ai còn nhớ không?

© 2013 Buivanphu

[Bài đã đăng trên BBCVietnamese.com 14.09.2013]

About Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú is a community college instructor and a freelance writer from San Francisco Bay Area. He worked with Peace Corps as a volunteer high school teacher in Togo, Africa and an educational consultant for United Nations High Commissioner for Refugees in Southeast Asia. Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps dạy trung học ở Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á.
This entry was posted in chính trị Mỹ and tagged , , . Bookmark the permalink.

Leave a comment