Hai cuốn sách của Tướng Nguyễn Cao Kỳ

Bùi Văn Phú

How we lost the Vietnam war. Nguyễn Cao Kỳ. 239 tr., Nxb Stein and Day. New York 1976.

Twenty Years and Twenty Days. Nguyễn Cao Kỳ. 239 tr., Nxb Stein and Day. New York 1976. Khi tái bản, tên sách đổi thành How we lost the Vietnam war.

*

Sau khi quân đội đảo chính chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963, miền Nam trải qua nhiều xáo trộn chính trị. Các tướng lĩnh và đảng phái chính trị tranh giành quyền hành nên miền Nam thay người lãnh đạo luôn, từ Dương Văn Minh, Nguyễn Ngọc Thơ đến Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương, Phan Khắc Sửu, Phan Huy Quát.

Khi quân đội được trao lại trọng trách điều hành quốc gia vào tháng 6 năm 1965, không tướng nào còn muốn đứng ra cầm quyền nữa vì không biết sẽ được bao lâu. Tướng Nguyễn Cao Kỳ đại diện đám tướng trẻ – Young Turks – lên làm thủ tướng trong khung cảnh chính trị bất ổn của miền Nam lúc bấy giờ. Ông Kỳ đã nhận trách nhiệm với điều kiện phải hỏi ý kiến vợ trước đã (20 Years, chuyện này không được nhắc lại trong Buddha’s Child).

Tuy bị đe dọa lật đổ bởi các tướng Nguyễn Chánh Thi – tư lệnh quân đoàn I; tướng Nguyễn Hữu Có – Bộ trưởng Quốc phòng và phong trào tranh đấu của Phật giáo, chính phủ của tướng Kỳ đã đứng vững, đem lại sự ổn định chính trị cho Miền Nam. Ông đưa ra những kế hoạch cải tiến dân sinh, đem lại công bằng xã hội, cùng đặt nền móng xây dựng nền dân chủ pháp trị với việc ban hành hiến pháp mới và tổ chức các cuộc bầu cử tự do từ xã ấp lên đến quốc hội, tổng thống.

*

Trong kỳ bầu cử tổng thống đầu tiên vào tháng 9.1967, tướng Kỳ tuyên bố ra tranh cử trước ông Nguyễn Văn Thiệu, nhưng sau ông lại nhường cho ông Thiệu làm ứng cử viên tổng thống, còn ông đứng chung liên danh và làm phó. Theo tiết lộ của ông, vì thấy tướng Thiệu sắp khóc nên trong giây phút chạnh lòng, chứ không phải vì áp lực từ bất cứ ai, ông đã đột ngột quyết định nhường cho ông Thiệu. Việc này ông luôn luôn hối tiếc và cho đó là lỗi lầm lớn nhất trong đời vì sau khi nắm quyền, ông Thiệu trở nên độc tài, thối nát và chỉ lo cho bản thân, bè phái hơn là quyền lợi quốc gia. Ông Thiệu hèn nhát, sợ bị người Mỹ hoặc ông đảo chánh vì thế ông Thiệu luôn phục tùng người Mỹ và tìm mọi cách gạt bỏ ông bằng cách không cho nắm quyền gì trong quân đội, khiến ông Kỳ phải lui về sống ở nông trại Khánh Dương.

Ông Kỳ tin rằng nếu ông cũng ra tranh cử tổng thống vào năm 1967 ông có thể thắng và cục diện chiến tranh Việt Nam đã khác vì đó là cuộc bầu cử tự do, công bằng với nhiều quan sát viên quốc tế có mặt.

Sự thực nếu ông Kỳ cũng tranh cử tổng thống thì chưa chắc phần thắng đã về ông hay ông Thiệu, mà có thể liên danh Trương Đình Dzu-Trần Văn Chiêu sẽ thắng. Theo kết quả chính thức, liên danh Thiệu-Kỳ được 1.649.561 phiếu (34%), liên danh Dzu-Chiêu về nhì với 817.120 phiếu, bằng nửa số phiếu của liên danh Thiệu-Kỳ. Nếu ông Thiệu và ông Kỳ tách ra, số phiếu bị chia hai, mỗi người 17%, còn gần một chục liên danh còn lại với 66% số phiếu, có thể liên danh Dzu-Chiêu – liên danh đối lập sáng giá nhất lúc bấy giờ – chỉ cần thêm hơn chục ngàn phiếu là thắng cử.

Tướng Kỳ tự nhận ông không thích làm chính trị và không phải là một chính trị gia. Ông lại bị ông Thiệu, và có thể cả người Mỹ, lừa vào năm 1971, trong kỳ bầu cử nhiệm kỳ 2. Tướng Dương Văn Minh đang sống lưu vong ở Thái Lan, được cho về nước tranh cử; tướng Kỳ cũng ra tranh cử. Nhưng ông Thiệu đã tìm cách gạt ông Kỳ ra, rồi tướng Minh rút lui, sau đó liên danh Nguyễn Cao Kỳ-Trương Vĩnh Lễ lại được hợp thức hoá, nhưng ông quyết định không tham gia vì biết ông Thiệu sẽ gian lận. Nhìn lại, ông Kỳ tin rằng ông có thể thắng và lại hối tiếc là đã không tranh cử. Bầu cử tổng thống năm 1971 trở thành màn độc diễn, thiếu dân chủ.

Đại sứ Mỹ Bunker trước đó có đề nghị chi năm triệu đô la để ông Kỳ tham gia tranh cử nhưng ông từ chối vì trước giờ ông vẫn tỏ ra là một người tự chủ, không muốn lệ thuộc người Mỹ.

Tinh thần tự chủ, độc lập của ông Kỳ thể hiện qua cách ứng xử của ông với tướng Lewis W. Walt, Đại sứ Mỹ Maxwell Taylor cũng như với trưởng phái đoàn Mỹ tại hoà đàm Paris là Averell W. Harriman, hay Bộ trưởng Quốc phòng Robert Mc Namara, các Thượng nghị sĩ William J. Fulbright, George Mc Govern, nhiều khi thiếu phong cách ngoại giao, tạo xì căng đan. Nhưng đó là cá tính của tướng Nguyễn Cao Kỳ. Tên mình, ông giải thích, mang nghĩa một tay chơi cờ cao nước, nhưng xem ra hai lần thua ông Thiệu thì ông Kỳ không phải là tay đánh cờ chính trị giỏi.

Buddha's Child. Nguyễn Cao Kỳ viết chung với Marvin J. Wolf. 376 tr., Nxb St. Martin. New York 2002.

Việc người Mỹ muốn chi tiền cho ông Kỳ ra tranh cử có thể đã làm ông khó xử. Cũng như nhiều lúc ông Kỳ muốn đảo chính lật đổ ông Thiệu thì lo sợ điều đó làm lợi cho Cộng sản. Năm 1969, lúc làm phó tổng thống, cầm đầu phái đoàn Việt Nam Cộng hoà tại hoà đàm Paris, ông Kỳ đã bí mật đi gặp đại diện Việt Cộng – ông Thiệu không biết gì việc này – và họ yêu cầu ông Kỳ lật đổ ông Thiệu. Sự việc ly kỳ này có trong 20 Years, nhưng lại không được kể trong Buddha’s Child. Thay vào là cuộc gặp gỡ giữa ông và một nhân vật kỳ bí tên là Phan Thanh Van, một phi công C-47 đã thay thế ông Kỳ trong một phi vụ nhảy Bắc. Ông Kỳ đinh ninh viên sĩ quan này đã chết và rất ngạc nhiên khi gặp lại Van ở Ba Lê. Khi ông Kỳ bắt đầu có kế hoạch đảo chánh ông Thiệu vào năm 1975 thì mọi chuyện đã trễ.

Buddha’s Child được phát hành sau khi ông Thiệu qua đời, vì thế có những chỉ trích cho rằng ông Kỳ không cho ông Thiệu một cơ hội trả lời những phê phán về ông. Ông Kỳ đã viết về ông Thiệu trong 20 Years, phát hành năm 1976. Ông Thiệu có 25 năm để phản bác lại, nhưng ông đã chọn thái độ im lặng cho đến khi qua đời vào năm 2001.

Về cá tính của tướng Nguyễn Cao Kỳ, có những phê bình cho ông là hạng người cowboy và playboy. Những chuyện đó theo ông chỉ đúng một phần.

Tính bốc đồng, thẳng ruột ngựa của tướng Kỳ thì nhiều người biết. Ông hay đem súng ra hù hay dọa bắn bỏ nhiều người, dù đó là một linh mục, cai quản nhà thờ núi ở Nha Trang; là các nhà sư, 13 thượng tọa lãnh đạo phật giáo; là một tướng Mỹ, tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ tại Đà Nẵng; những thương gia buôn gạo; hay là một bộ trưởng làm việc dưới quyền là ông Trương Văn Thuận.

Sau khi dẹp xong vụ nổi loạn miền Trung, tướng Kỳ giao Thượng tọa Thích Trí Quang – một nhà tu hành Phật giáo với nhiều tham vọng chính trị – cho bác sĩ Nguyễn Duy Tài săn sóc với lời cảnh cáo sẽ “bắn bỏ ông (bác sĩ Tài) cùng vợ con và gia đình” nếu Thích Trí Quang bỏ trốn hay trở nên bệnh nặng.

Còn dư luận về con người playboy của tướng Kỳ, sử gia Stanley Karnow coi ông như “một tay chơi kèn sắc-xô trong những hộp đêm hạng nhì.”

Ông Kỳ thừa nhận ông có nhiều nhân tình và đã có đến bốn đời vợ. Nhưng ông có vẻ hắt hủi Đặng Tuyết Mai, người vợ đã được ông hỏi ý kiến trước khi nhận chức thủ tướng. Ông không còn nhắc đến tên bà trong Buddha’s Child, trong khi ông kể những chuyện tình cũ với Cẩm Vân, Tường Vân và bà vợ mới tên Kim.

So với 20 Years, Buddha’s Child cung cấp thêm những tài liệu, công điện trao đổi giữa toà đại sứ Mỹ tại Sài Gòn và Hoa Thịnh Đốn để chứng minh tướng Kỳ được dân Việt, được những người làm chính sách Mỹ ủng hộ và ca ngợi là người tự chủ, độc lập, không lệ thuộc người Mỹ trong các quyết định về chính sách, chứ không như dư luận Mỹ thường hay đặt điều nói xấu về ông.

Trong thời chiến, vì những hình ảnh không trung thực nên Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ bị ngăn cản qua Mỹ, khi được Mục sư Carl McIntyre mời qua đọc diễn văn trong một cuộc diễn hành ủng hộ Việt Nam Cộng Hoà. Tiến sĩ Henry Kissinger lo ngại sự có mặt của ông có thể gây bạo động trong dân chúng Mỹ.

Tháng 7.1971 ông Kỳ qua thăm Mỹ không chính thức và đã bị biểu tình phản đối khắp nơi. Đến một khách sạn ở Los Angeles ông phải đi vào qua cửa bếp.

Trong chuyến đi này tướng Kỳ kể ông là người đã đề nghị kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh với chính quyền Mỹ. Điều này không đúng. Kế hoạch rút quân, cùng lúc đánh phá các sào huyệt cộng sản trên đất Campuchia, Lào và Bắc Việt được Nixon chủ trương sau khi nhận chức tổng thống vào đầu năm 1969. Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird đặt tên là kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh. Hơn 60 ngàn lính Mỹ rút khỏi Việt Nam trong năm 1969, 150 ngàn trong năm 1970. Đến cuối năm 1971 thì quân số lính Mỹ ở Việt Nam đã giảm từ 520 ngàn xuống còn 140 ngàn.

Một vấn đề cần nêu ra là dù không để cho người Mỹ đẩy đưa mình, nhưng trong hai năm tướng Kỳ cầm quyền – từ tháng 6, 1965 đến tháng 10, 1967 – trên 200 ngàn lính tác chiến Mỹ được đổ vào Việt Nam mà không thấy ông ghi lại những tham khảo giữa Hoa Thịnh Đốn và Sài Gòn, nếu có, về việc này cũng như phản ứng và ý kiến của ông.

Điều mâu thuẫn nhất trong con người tướng Kỳ là xuyên xuốt qua những trang sách của 20 Years ông chứng tỏ là người không vì tiền bạc, danh vọng mà đánh mất tính tự chủ, tinh thần độc lập. Nhưng cũng chính 20 Years cho thấy tính mất tự chủ của ông. Ông Kỳ viết Buddha’s Child là vì đọc kỹ lại 20 Years ông Kỳ nhận ra: “những người biên tập đôi khi đặt những lời nói vào miệng tôi và tạo ra những sự việc không hề xảy ra”. Tiền bản quyền cho 20 Years và lệ phí diễn thuyết trong những năm đầu tại Mỹ đã giúp ông Kỳ mua xe hơi, mua nhà. Từng là một cựu tư lệnh không quân, thủ tướng, phó tổng thống mà ông Kỳ lại để cho nhà xuất bản Mỹ đặt điều được sao?

Chương cuối của Buddha’s Child hoàn toàn mới. Tác giả phân tích về hiện tình Việt Nam, về chính trị, chiến lược của các nước trong vùng và của Hoa Kỳ, của Trung Quốc.

Năm 1992 người viết bài này có tranh luận với tướng Kỳ trên truyền hình về quan hệ Mỹ-Việt, ông cho rằng chế độ cộng sản chỉ tồn tại năm, mười năm nữa, bang giao sớm, cộng sản sụp đổ sớm. Nay ông nhận định Việt Nam không còn chế độ cộng sản mà là một chế độ độc tài, tham nhũng, như các nước trong vùng đã từng trải qua. Ông Kỳ viết rằng Hồ Chí Minh, người đem chủ thuyết cộng sản vào Việt Nam, nếu nhìn thấy đất nước hiện tại cũng phải đội mồ mà dậy.

Ông khuyên giới lãnh đạo Hà Nội hãy chọn con đường tư bản, vì nó sẽ dẫn đến dân chủ và pháp trị. Còn duy trì độc tài, tham nhũng thì Việt Nam có nguy cơ bị Trung Quốc xâm lăng kinh tế để biến thành một tỉnh của người Tàu.

Mặc dù nhìn nhận cuộc chiến chống cộng sản trong quá khứ là đúng, ông kêu gọi người Việt hải ngoại xóa bỏ hận thù để hướng về tương lai.

Ông Kỳ năm nay đã ngoài 70 tuổi, sống sót qua nhiều cơ nguy theo ông là nhờ có Đức Phật che chở. Ngày nay giấc mơ cuối đời của ông là được về lại đất Bắc, về lại Sài Gòn và mong đóng góp phần còn lại của đời mình cho đất nước.

© 2004 Buivanphu

___

[Bài đã đăng trên talawas 29.04.2004]

About Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú is a community college instructor and a freelance writer from San Francisco Bay Area. He worked with Peace Corps as a volunteer high school teacher in Togo, Africa and an educational consultant for United Nations High Commissioner for Refugees in Southeast Asia. Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps dạy trung học ở Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á.
This entry was posted in chính trị Mỹ, chính trị Việt, đọc sách and tagged , . Bookmark the permalink.

Leave a comment