Một lần vào thăm

Bùi Văn Phú

Bóng cây rũ bên Hồ Gươm

Bóng cây rũ bên Hồ Gươm

Hà Nội là một địa danh mang nhiều ý nghĩa văn hoá và lịch sử đã quyến rũ tôi từ ngày còn ở miền Nam.

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Tôi hay thả hồn tưởng tượng về một Hà Nội cổ kính, thơ mộng, chốn của ngàn năm văn vật mà tôi biết được qua thơ văn trong những ngày còn là học sinh. Trong tôi hình ảnh của Hà Nội là qua Ðêm giã từ Hà Nội, Hà Nội 36 phố phường, Miếng ngon Hà Nội, là ca từ của mấy bài hát như “Hướng về Hà Nội” hay “Nỗi lòng người đi”.

Trong Nam, thỉnh thoảng Tết về có những tờ lịch in hình Cầu Thê Húc, Chùa Một Cột, Hồ Gươm. Nhìn cảnh đẹp tôi hay mơ ước một ngày đất nước hoà bình, hai miền giao thương để có cơ hội ra thăm. Nhưng con sông Bến Hải tuy hẹp và cầu Hiền Lương thì ngắn mà vượt qua được sao khó khăn quá và thường bằng đạn bom.

Huế Sài Gòn Hà Nội quê hương ơi sao vẫn còn xa
Huế Sài Gòn Hà Nội trong ta đau trái tim Việt Nam

*

Khi đất nước thống nhất, hoà bình thì tôi lại ra đi và không có cơ hội trở về cho đến hai mươi năm sau.

Năm 1995 vợ chồng tôi ra Hà Nội lần đầu tiên. Lòng tôi dâng trào cảm xúc khi phi cơ đáp xuống vào một buổi chiều hoàng hôn pha màu xanh của lúa bên dưới. Xe vào thủ đô qua ngả thành Hoàng Diệu xưa. Phố xá đông người, ồn ào. Xe cộ đan xen như mắc cửi. Một ước mơ tầm thường của một người Việt Nam mà hơn hai mươi năm mới thành hiện thực.

Hình ảnh cuả một buổi chiều quanh bờ hồ

Hình ảnh của một buổi chiều quanh bờ hồ

Tới Hà Nội là phải thăm Cầu Thê Húc, ghé Đền Ngọc Sơn, phải ngồi bên Hồ Gươm ngắm Tháp Rùa, cũng như du khách đến San Francisco phải leo lên cây cầu đỏ Golden Gate không phai màu theo năm tháng. Vào Văn Miếu nhìn lại lịch sử trường thi nước nhà, xem múa rối nước.

Về các món ăn, Hà Nội có phở Lý Thái Tổ với hành hương đặc biệt của miền Bắc, có bún chả Hàng Mành. Có món chả cá chúng tôi được ăn lần đầu tiên trong đời trên quê hương mình, không phải ở Lã Vọng mà tại một tiệm trong khu phố cổ. Từng lát cá bỏ vào chảo nóng, trộn với thì là, hành xanh, ăn với bún chấm mắm tôm chanh, thêm lạc rang nữa làm tăng hương vị đậm đà. Tối tối chúng tôi đi ăn vịt lộn bên phố Hàng Mã hay ăn bánh cuốn ở phố Hàng Gà và muốn uống bia nội, bia ngoại đều có.

Một nơi tôi muốn đến là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì đó là con người của lịch sử. Một buổi sáng sau khi đã thăm Viện bảo tàng Hồ Chí Minh, viếng Chùa Một Cột chúng tôi ngồi nghỉ trong công viên bên cạnh để chờ thăm lăng. Có mấy bạn trẻ mới qua kỳ thi đại học tụ họp trên ghế công viên tán chuyện.

Nam sinh: Sao ra đây làm gì thế?

Nữ sinh: Ðịnh vào thăm lăng Bác xin ơn.

Nam sinh: Ðến đây thì vào chùa khấn cho đỗ đại học, chứ thăm lăng thì đen lắm.

Nghe mấy bạn trẻ bàn chuyện như thế, nhà tôi quyết định gạt bỏ chuyện thăm lăng, dù tôi cố gắng thuyết phục vì một lần đi xa là một lần khó.

Chúng tôi chỉ dạo quanh Quảng trường Ba Ðình chụp mấy tấm hình kỉ niệm. Kiến trúc tổng thể của lăng có nét giống như đài tưởng niệm Tổng thống Abraham Lincoln ở Thủ đô Washington, chỉ khác nhau về mầu sắc.

Năm 1997 vợ chồng tôi có dịp trở lại Hà Nội. Tôi đã thuyết phục được bà xã để thỏa mãn những tò mò lịch sử. Nhưng đến nơi nhằm thời gian lăng đóng cửa.

*

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phải đến năm 2000 cả gia đình tôi mới có dịp thăm lăng.

Ðoàn người vào thăm lăng sáng hôm đó khá đông, khoảng 200. Từ chỗ xếp hàng tôi thấy có nhiều xe buýt chở dân quê lên. Nhìn quanh cũng có dăm bảy người da trắng. Sau khi qua quầy mua vé và mỗi người được trao cho một tờ hướng dẫn lịch sử lăng, khách du lịch được đưa vào phòng đợi, cho xem một phim ngắn về cuộc đời ông Hồ. Sau đó đoàn người xếp hàng từ từ tiến bước về phiá mặt tiền lăng trông ra quảng trường gió lộng, ở đó có nhiều trẻ em đạp xe, nô đùa.

Vào trong, không gian dần tối lại và mát lạnh. Không khí tịnh yên, trang nghiêm. Ði lòng vòng rồi thấy hòm kiếng hiện ra dưới ánh đèn điện với thi hài ông Hồ nằm trong. Trẻ con được đi trên một bục cao hơn để có thể cùng cha mẹ chiêm ngưỡng một lãnh tụ. Ông Hồ mặc bộ kaki màu xanh dương đậm, mang giầy đen. Hai tay để trên bụng. Khuôn mặt với bộ râu bạc quen thuộc như những hình ảnh đã phổ biến. Bốn góc có lính đứng gác nghiêm nghị.

Ra khỏi lăng, khi mọi người được nói chuyện, đứa con trai của tôi hỏi:

“Daddy, are those toy soldiers?” [Bố, có phải đó là những lính đồ chơi không bố?]

“Không đó là lính bằng người thật.”

Còn đứa con gái thắc mắc:

“Is the old man dead?” [Ông cụ đó chết rồi phải không?]

“Ông ấy chết lâu rồi.”

“Why didn’t they bury him like ông ngoại?” [Sao họ không chôn ông cụ đó như ông ngoại?]

“Ông ấy muốn được thiêu, nhưng nhà nước giữ thi hài ông ấy lại.”

Bà xã thì hỏi:

“Không biết xác thiệt hay giả vậy?”

Tôi không có câu trả lời vì dưới hào quang của ánh đèn và nhìn từ xa thì không biết được.

Cũng như cuộc đời của ông Hồ vẫn còn nhiều kì bí, thật giả. Dù tôi đã được đọc rất nhiều về ông.

[ảnh trong bài của tác giả]

© 2005 Buivanphu

(Bài đã đăng trên talawas.org 02.09.2005)

About Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú is a community college instructor and a freelance writer from San Francisco Bay Area. He worked with Peace Corps as a volunteer high school teacher in Togo, Africa and an educational consultant for United Nations High Commissioner for Refugees in Southeast Asia. Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps dạy trung học ở Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á.
This entry was posted in tản văn, văn hóa du lịch and tagged , , . Bookmark the permalink.

Leave a comment