Thủ tục đầu tiên ở DMV

Bùi Văn Phú

Tuần qua tôi có việc phải đến DMV (Department of Motor Vehicles). Đây là cơ quan nhà nước của tiểu bang California lo việc cấp bằng lái, từ lái xe máy, xe ô-tô cho đến xe tải. Đó cũng là nơi những ai mua bán xe, thuyền bè phải đến để lo thủ tục giấy tờ sang nhượng chủ quyền. Người dân đến DMV làm thẻ căn cước nếu chưa có bằng lái xe.

Mấy tuần trước tôi nhận giấy báo bằng lái xe của mình sắp hết hạn. Đọc những điều ghi trên giấy, tôi biết cứ 5 năm phải gia hạn bằng lái và một người được làm thủ tục gia hạn qua đường bưu điện hai lần, sau đó phải đích thân đến sở DMV để thử thị lực, in dấu tay và chụp hình cho bằng lái mới. Luật ghi rõ như vậy.

Lần trước khi nhận giấy báo gia hạn tôi chỉ phải trả lời vài câu hỏi in sẵn, kí chi phiếu 10 đô-la và gửi đi. Vài tuần sau nhận được bằng lái mới đã được gia hạn, với hình cũ của mình do DMV lưu giữ.

Tấm bằng lái xe của tôi ít khi được moi ra khỏi bóp, vì không vi phạm luật giao thông để bị cảnh sát chớp đèn đuổi, bắt ngừng lại, hỏi bằng lái cùng giấy tờ đăng bộ, bảo hiểm xe. Chỉ khi đi máy bay phải dùng nó để check-in. Nhìn bằng lái sắp hết hạn với chân dung rất cũ và còn rất trẻ của mình với cặp kính cận quá xưa, tôi biết là lâu rồi mình không đến sở DMV.

Hầu hết bạn đọc đã tới DMV lo giấy tờ nọ kia đều biết rằng việc chờ đợi ở đây rất lâu và trong quá khứ nhiều người đã phàn nàn về việc này. Ngày nay với các phương tiện liên lạc hiện đại, việc chờ đợi không còn quá lâu nữa, nếu bạn có làm hẹn trước qua mạng hay bằng cách gọi điện thoại. Còn không, bạn vẫn phải chờ dài dài như hôm tôi đến DVM làm lại bằng lái xe và quan sát thấy.

Dân phải chờ lâu khi có việc cần đến DMV

Tôi đã làm hẹn trước đó một tuần. Cái hẹn của tôi là 10 giờ sáng thứ Tư. Kém 10 phút tôi đến và thấy hàng người xếp hàng rồng rắn ra tận ngoài vỉa hè bên hông cơ quan. Có hai hàng, một cho những ai có giờ hẹn thì ít người, khoảng 10. Hàng kia không hẹn trước có đến 50 người nối nhau đứng chờ ra tận bên ngoài.

Chỉ có một nhân viên ngồi ở quầy phát số, là nơi mọi người phải đến đầu tiên. Ông kêu từng hàng một, mỗi lần một người để cho số. Tôi và mấy người đứng cùng hàng nói với nhau rằng những người đã làm hẹn trước phải được ưu tiên, chứ cách phục vụ như thế này thì cần gì phải hẹn. Đã hẹn mà cũng phải chờ lâu. Nhìn qua những ô vuông có người làm việc, mấy nhân viên tỏ vẻ biết được là có hàng dài đứng chờ nhưng không thấy có cách giải quyết gì. Bên trong phòng đợi có đến 60, 70 người đã có số đang ngồi chờ. Kẻ đọc sách, người dùng laptop, iPhone.

Nếu ở một nơi như siêu thị hay ngân hàng, khi thấy đông khách đứng chờ thì quản lí sẽ mở thêm quầy tính tiền, quầy phục vụ để giải quyết vấn đề ngay. Đúng là sự khác biệt giữa cơ quan nhà nước và cơ sở thương mại tư.

Tôi chờ 20 phút mới đến lượt mình được phát số. Số của tôi là F023. Trên màng hình hiện số F014 đang được phục vụ. Nhìn màn hình thấy DMV có đến 20 quầy nhân viên và chia cách phục vụ ra nhiều loại, ghi số theo sau mẫu tự từ A, B, C đến G.

Có số rồi, trong khi ngồi chờ tôi gặp một cô gái bên cạnh đang đọc sách tiếng Nhật. Hỏi chuyện và biết cô đến xin bằng lái xe vì mới di chuyển đến California. Cô qua Mỹ học ở một bang miền đông, mới theo chồng về đây và đã thi lại bằng viết của California cách đây vài tuần nhưng chưa nhận được bằng lái xe như sở DMV hứa. Cô chờ để hỏi xem hồ sơ có trục trặc gì không. Vì không làm hẹn trước nên sáng nay cô xếp hàng chờ một tiếng đồng hồ mới có số và ngồi chờ cũng 30 phút rồi. Cô nói theo số G của cô thì cũng phải chờ cả giờ nữa mới đến lượt như kinh nghiệm lần trước.

Tôi hỏi cô ở bên Nhật khi đến những cơ quan như thế này có phải chờ đợi lâu không? Cô nói có chờ nhưng không lâu như ở đây.

Chừng 15 phút thì số của tôi hiện lên. Sau khi làm xong mọi thứ: lăn tay, dò thị lực, trả tiền 31 đô-la, chụp hình; nhìn đồng hồ thấy chưa đến 50 phút kể từ lúc vào xếp hàng. Cô thư kí nói trong vòng hai tuần tôi sẽ nhận được bằng mới gửi về nhà.

Vài thập niên trước, những người tị nạn như tôi đến Hoa Kỳ đều phải trải qua hai nơi để làm những giấy tờ cần thiết và thường phải chờ đợi dài cổ là tại sở DMV và sở INS (Immigration and Naturalization Services) tức Sở Di trú và Nhập tịch mà nay đã nhập vào Bộ Nội an.

Khi tôi lên sở INS ở San Francisco lo thủ tục nhập quốc tịch Hoa Kỳ, vì biết sắp xếp và chuẩn bị mọi thứ giấy tờ cần thiết nên chỉ tốn một ngày là xong. Phải xếp hàng đến 3 lần ở đó và làm đúng mọi thứ thì mới xong việc. Xếp hàng lấy đơn. Điền đơn, kèm đầy đủ giấy tờ cần thiết lại phải xếp hàng đóng lệ phí. Sau cùng, xếp hàng nộp tất cả hồ sơ vừa hoàn tất để có biên nhận. Nếu không chuẩn bị trước thì có thể phải đi đi về về vài lần mới hoàn tất thủ tục.

Đó là chuyện nhập quốc tịch Mỹ 30 năm về trước. Ngày nay hầu hết các thủ tục nộp đơn liên quan đến di dân và nhập tịch được làm qua mạng. Các mẫu đơn có trên đó, tải xuống, điền vào rồi gửi đi kèm giấy tờ cần thiết và lệ phí. Không phải xếp hàng xin đơn. Cần bổ túc hồ sơ, sở di trú sẽ gửi thư cho biết. Chỉ chờ ngày gọi đi thi vào quốc tịch. Thi đậu, chờ ngày đi tuyên thệ nhập tịch nữa là xong. Cầm tấm bằng công dân Hoa Kỳ trong tay rồi thì chẳng còn phải đến sở di trú làm gì nữa. Nếu như còn phải lo hồ sơ đoàn tụ cho thân nhân thì cũng không xếp hàng vì các mẫu đơn đều có trên mạng.

Nền hành chính Mỹ, qua các việc liên quan đến sở di trú thì thấy đó là tiến bộ. Nhiều người Việt không chỉ trải nghiệm qua sở di trú INS mà còn qua nhiều thủ tục khác như mở tiệm kinh doanh, thi lấy bằng hành nghề. Nhìn chung các cơ quan nhà nước không quan liêu, tuy có lúc phải chờ đợi lâu nhưng theo thứ tự cũng sẽ được nhân viên phục vụ tận tình.

Như ở cơ quan DMV hôm tôi ghé qua. Khi xong việc, bước ra ngoài tôi vẫn thấy hàng người còn rồng rắn như hồi mình tới. Đó là những người không có hẹn trước.

Tại nhiều ô vuông nơi làm việc của các nhân viên DMV tôi thấy có treo khẩu hiệu: “Save time. Go Online.” – tạm dịch là “Tiết kiệm thời giờ. Lên mạng hẹn trước.”

Khi phải đến DMV, để tránh chờ đợi lâu tôi khuyên bạn hãy nhớ thủ tục đầu tiên là “Hẹn trước”.

(ảnh trong bài của tác giả)

© 2012 Buivanphu

About Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú is a community college instructor and a freelance writer from San Francisco Bay Area. He worked with Peace Corps as a volunteer high school teacher in Togo, Africa and an educational consultant for United Nations High Commissioner for Refugees in Southeast Asia. Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps dạy trung học ở Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á.
This entry was posted in đời sống and tagged . Bookmark the permalink.

5 Responses to Thủ tục đầu tiên ở DMV

  1. Pingback: Tin Chủ Nhật, 02-09-2012 « BA SÀM

  2. tài Nông đức Cạn says:

    Ở VN thi cái thủ tục “Đầu tiên” khác hẳn. Các xứ tư bản giãy (hoài không) chết làm sao theo kịp được xứ thiên đường XHCN!

  3. Pingback: Tin Chủ Nhật, 02-09-2012 | Dahanhkhach's Blog

  4. mai says:

    Bác qua miền Đông mà ở! Đến DMV, chụp hình xong, 5 phút sau là có bằng lái, cầm phỏng tay vì nóng.

  5. Pingback: Anhbasam Điểm Tin Chủ Nhật, 02-09-2012 | bahaidao2

Leave a comment